Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa: Hiệu quả từ cộng đồng trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai 15 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và 10 nhóm cải thiện sinh kế, trên 17 tỷ đồng đã được huy động để thực hiện các công trình và các nhóm cải thiện sinh kế trên địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa trong năm 2015. Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa đã cùng với Ban Phát triển xã, các hội, đoàn thể liên quan thường xuyên bám sát triển khai đi từ cộng đồng các hộ hưởng lợi lên. Nhờ đó, sau 9 tháng, huyện Ia Pa đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, hợp phần 1-Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, làng, đã được Ban phối hợp các đơn vị thiết kế, thẩm tra hoàn thiện hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt triển khai 15 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, ngầm tràn tại 5 xã: Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul, Ia Broăi và Ia Ma Rơn, với tổng số tiền 8,793 tỷ đồng. Sau khi các công trình này được thực hiện sẽ giúp cho hàng ngàn hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn này phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
 

 

Hợp phần 2-Phát triển sinh kế bền vững, Ban cũng đã đưa vào triển khai 10 nhóm cải thiện sinh kế (LEG). Trong đó, xã Ia Ma Rơn triển khai 3 nhóm đa dạng hóa sinh kế là chăn nuôi bò, xã Chư Mố và xã Ia Tul, mỗi xã triển khai 3 nhóm an ninh lương thực và dinh dưỡng, gồm: 2 nhóm trồng lúa và 1 nhóm cải tạo vườn hộ; xã Ia Broăi và xã Ia Kdăm, mỗi xã triển khai 1 nhóm LEG trồng lúa.

Hợp phần 3-Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông, Ban cũng đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao năng lực do Ban Quản lý Dự án tỉnh và Ban Điều phối Trung ương tổ chức, trong đó, có 8 lớp tập huấn và 1 chuyến tham quan học tập thực tế. Còn cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, Ban sẽ đề xuất thực hiện trong kế hoạch năm 2016.

Trong các hợp phần của dự án thì hợp phần 2-Phát triển sinh kế bền vững là trọng tâm của dự án, đã triển khai bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo. Trao đổi với P.V, ông Võ Tấn Công cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ cũng như nhanh chóng giúp bà con hưởng lợi từ dự án, chúng tôi phối hợp cùng với Ban Phát triển xã và các hội, đoàn thể tổ chức các buổi họp thôn, làng, tập huấn tuyên truyền về chủ trương, chính sách của dự án, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn các hộ thành lập nhóm, lấy ý kiến của bà con để chọn các đơn vị cung cấp vật tư, con giống, phân bón phù hợp, hoàn tất các thủ tục để các hộ hưởng lợi sớm triển khai các tiểu dự án.

Những ngày cuối tháng 9, 3 nhóm đa dạng hóa sinh kế nuôi bò sinh sản ở xã Ia Ma Rơn đã vui mừng khi đón nhận những con bò lai sinh sản, to khỏe từ dự án. Ông Hà Nguyễn Huy Hoàng-tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa cho biết: Chuồng trại để nuôi bò đã được các nhóm làm sẵn sàng. Cỏ làm thức ăn cho bò cũng được các hộ trong nhóm trồng cách đây hơn 2 tháng. Vì thế, cuối tháng 9, 30 con bò cái sinh sản và 3 bò đực lai có trọng lượng trung bình từ 230 kg đến 270 kg/con đã được các nhóm LEG, cùng với Ban Phát triển xã và cán bộ CF đi tìm hiểu và mua về cấp cho các hộ tham gia 3 nhóm sinh kế này.

 

Chủ trương của dự án là trao quyền cho các nhóm LEG tự quyết định mua sắm các vật tư, con giống hỗ trợ đầu vào cho nhóm LEG, nhưng “trước khi bàn giao bò cho các hộ, chúng tôi cùng với Ban Phát triển xã phối hợp với cán bộ thú y huyện kiểm tra, giám sát chất lượng những con bò giống. Tất cả những con bò giống này phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu và được nuôi cách ly từ 7 ngày đến 10 ngày, đồng thời, phải được tiêm phòng vắc xin đầy đủ”-ông Hà Nguyễn Huy Hoàng-tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa nói thêm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các hợp phần của dự án trong năm 2015, ông Võ Tấn Công-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa cho biết: Ban đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục mời chào giá, đấu thầu cộng đồng đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn, làng. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với Ban Phát triển xã và các hội, đoàn thể tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các thủ tục tài chính để các nhóm sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng, đa dạng hóa sinh kế thuận lợi trong việc giải ngân, giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đời sống.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm