Kinh tế

Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1: Chưa bồi thường, hỗ trợ cho dân vì thiếu quy định cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù đã thống kê, xác định khối lượng vật kiến trúc của các hộ dân ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1) chưa thể thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ. Vướng mắc không được giải quyết nên nhiều hộ dân đã khiếu nại suốt hơn 1 năm qua.

Người dân chờ hỗ trợ, bồi thường

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình), trụ điện gió N13 của Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 được lắp đặt cách đất của gia đình bà 10 m, cách nhà ở 80 m. Trụ điện gió này cao 117 m, bán kính cánh quạt 75 m, như vậy, riêng không gian dưới cánh quạt đã chiếm vào đất của gia đình bà 65 m.

“Lẽ ra, trước khi thi công, Công ty phải thực hiện phương án bồi thường. Nhưng khi thi công xong, đơn vị vẫn chưa thực hiện hỗ trợ, bồi thường. Mặc dù chưa đưa vào vận hành trụ N13 nhưng thỉnh thoảng Công ty thử nghiệm cho quay trụ gây nên tiếng ồn rất lớn. Đó là chưa kể lúc trời mưa to gió lớn, nước từ cánh quạt xối lên mái tôn nghe ầm ầm rất sợ. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp đề nghị chủ đầu tư bồi thường thỏa đáng, nhưng vụ việc kéo dài đến nay chưa được giải quyết”-bà Hòa nói.

Vợ chồng bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình) bất an khi hàng ngày phải sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của hành lang an toàn cột tháp gió. Ảnh: Vũ Thảo

Vợ chồng bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình) bất an khi hàng ngày phải sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của hành lang an toàn cột tháp gió. Ảnh: Vũ Thảo

Còn ông Trần Văn Kết (cùng thôn) thì cho hay: Nhà ông đang bị kẹp giữa 2 trụ điện gió N17 và N31. Cả 2 trụ này đã vận hành cho nên tiếng ồn rất lớn. Trụ N17 có chiều dài cánh quạt lấn sang không gian đất sản xuất của gia đình nên phần nào ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. “Chúng tôi mong muốn được bồi thường thỏa đáng trên phần đất bị ảnh hưởng. Với giá trị của các loại cây ăn quả và hồ tiêu thì phần đất sản xuất của gia đình tôi ước tính có giá trên 100 triệu đồng/sào. Do đó, Công ty cần phải rà soát diện tích đất ảnh hưởng và tính toán giá trị cây trồng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên”-ông Kết nói.

Theo tìm hiểu của P.V, hàng chục hộ dân đang kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường của Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1. Theo đó, các hộ dân yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió; hỗ trợ di dời nhà, chuồng trại ra khỏi hành lang an toàn theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh, huyện đã thành lập 2 tổ công tác nhằm giải quyết kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân. Sau đó, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Ia Le cùng chủ đầu tư phối hợp khảo sát, đánh giá hiện trạng, đo đạc, kiểm đếm, đối thoại, cung cấp tài liệu, văn bản quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai và hành lang an toàn cột tháp gió. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chưa có quy định cụ thể mức hỗ trợ, bồi thường và việc các hộ dân yêu cầu mức giá quá cao.

“Sau các lần tổ chức đối thoại, chủ đầu tư đã giải thích một số vấn đề thuộc thẩm quyền và cam kết bằng văn bản với các hộ dân có đất trong hành lang an toàn cột tháp gió 300 m với nội dung là nhà đầu tư chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành đối với trường hợp phát sinh các thiệt hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp, sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân có đất nằm dưới cánh quạt tua bin gió do việc thi công, vận hành trụ tua bin gió. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ bồi thường, hỗ trợ khi có văn bản, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền”-ông Hiệp cho biết thêm.

Vẫn chờ quy định

Ngày 11-10-2022, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 có Công văn số 1110/2022/CV-ĐGCN1 về việc lấy ý kiến dự thảo công khai phương án hỗ trợ các công trình nhà ở, nhà rẫy, chuồng trại chăn nuôi tại khu vực Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, UBND huyện Chư Pưh. Theo đó, về phương án hỗ trợ, căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 21-3-2018 của UBND tỉnh: “Diện tích nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 200 kV, được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất, nhưng thực tế đã xây dựng trước ngày 1-7-2004, được UBND cấp xã xác nhận không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền thì được hỗ trợ bằng 40% đơn giá xây dựng mới đối với nhà, công trình xây dựng trước ngày 15-10-1993”, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đề xuất mức hỗ trợ là 10%. Tuy nhiên, các hộ dân không thống nhất vì cho rằng phương án hỗ trợ quá thấp. Các hộ dân đề nghị hỗ trợ dứt điểm một lần về đất và tài sản trên đất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công thương.

Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất 100 MW với 28 trụ tua bin gió. Dự án đã vận hành thương mại một phần với công suất 47,2 MW

Trao đổi với P.V, ông Chẩu Văn Sơn-Quản lý Dự án Nhà máy điện gió Ia Le 1-cho hay: “Việc bồi thường trong hành lang an toàn cột tháp gió 300 m hiện đang chờ cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể. Đợt trước, Công ty cũng đã đưa ra phương án hỗ trợ nhưng các hộ dân nói giá thấp, yêu cầu Công ty phải mua hết đất trong phạm vi 300 m và phải mua theo giá thỏa thuận chứ không phải theo đơn giá Nhà nước quy định. Trong khi đất đai nơi đây khô cằn, người dân xây nhà trên đất nông nghiệp là đã sai, nhưng lại đòi bồi thường với giá rất cao”.

Các hộ dân thôn Phú Bình cho rằng nhà đầu tư đang làm ngơ trước các yêu cầu về mức bồi thường, hỗ trợ người dân trong khu vực các cột tháp gió. Ảnh: Vũ Thảo

Các hộ dân thôn Phú Bình cho rằng nhà đầu tư đang làm ngơ trước các yêu cầu về mức bồi thường, hỗ trợ người dân trong khu vực các cột tháp gió. Ảnh: Vũ Thảo

Ngày 19-4-2023, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 48/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế tại buổi tiếp xúc, đối thoại với một số hộ dân xã Ia Le ngày 12-4-2023. Theo đó, sau khi nghe kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Một số vướng mắc liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản quy định, hướng dẫn trong thời gian đến.

Trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền của Trung ương hướng dẫn, quy định, yêu cầu Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp tục có văn bản cung cấp thông tin tiến độ giải quyết vụ việc để các hộ dân nắm thông tin kịp thời; Sở Công thương tổng hợp một số nội dung còn vướng mắc, chưa rõ, chưa cụ thể mà các hộ dân còn kiến nghị liên quan đến Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió và các quy định có liên quan, đề xuất UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Công thương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nhân viên, người lao động tôn trọng, không được xâm phạm tài sản, nhà ở, các khu vực đất sản xuất của người dân khi chưa được cho phép; thông báo cho chính quyền địa phương và Sở Công thương kế hoạch vận hành của Nhà máy và của từng trụ điện gió. Bên cạnh đó, về phương án hỗ trợ, căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 21-3-2018 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, Công ty đề xuất hỗ trợ 10% là chưa thỏa đáng.

Trong lúc chờ cơ quan nhà nước cấp trung ương có thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn, đề nghị Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, đánh giá và tính toán nâng mức hỗ trợ vật kiến trúc và tài sản trên đất của một số hộ dân sinh sống trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió và hỗ trợ di dời đến nơi ở khác trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành; sớm triển khai xây dựng hệ thống bảo ôn, tiêu âm xung quanh các trụ điện gió nhằm hạn chế tiếng ồn, giảm thiểu tác động đến đời sống, sức khỏe và sinh hoạt của các hộ dân. Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ, đồng cảm và sẽ làm hết trách nhiệm với các hộ dân. Trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quy định, hướng dẫn cụ thể, đề nghị các hộ dân hạn chế việc đi lại lên tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến công việc và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm