Thời sự - Bình luận

Dự báo nhân lực, thị trường lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Việc giảm lao động ở nhiều công ty khi Tết Nguyên đán năm 2023 cận kề được cộng đồng quan tâm.

Lý do được đề cập là vì doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, đặc biệt ở một số nước châu Âu, vốn đang bất ổn về chính trị - kinh tế, khiến các đơn hàng sụt giảm, sản xuất thu hẹp. Như trường hợp của Công ty TNHH Tỷ Hùng, Công ty TNHH Việt Nam Samho (đều ở TP.HCM)... chẳng đặng đừng phải cho hàng ngàn lao động thôi việc mà Thanh Niên có thông tin vừa qua. Ngoài ra, một số DN khác cũng cố gắng giữ chân người lao động (NLĐ) bằng cách sắp xếp lại thời gian làm việc cho phù hợp nhu cầu sản xuất, điển hình là không tăng ca.

 

TP.HCM sẽ giám sát chặt chẽ tình hình quan hệ lao động cuối năm nay. Ảnh: Xuân Khánh
TP.HCM sẽ giám sát chặt chẽ tình hình quan hệ lao động cuối năm nay. Ảnh: Xuân Khánh


Trong bối cảnh đó, NLĐ, đặc biệt là công nhân luống tuổi và người phụ thuộc của họ như con nhỏ, cha mẹ già… bị tác động trực tiếp; đời sống họ chịu nhiều xáo trộn khi mất đi nguồn thu nhập chính. Vì lẽ đó, sự can thiệp của các cơ quan quản lý, như Sở LĐ-TB-XH, cơ quan Công đoàn… là cần kíp.

Thời gian qua, việc các cơ quan này làm việc, lắng nghe trực tiếp ý kiến của DN về các khó khăn sản xuất, tình hình sử dụng lao động, nguyện vọng của NLĐ để có giải pháp hỗ trợ là điều rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó, cá nhân người viết cũng tin rằng các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo nhân lực và thị trường lao động, nhất là đặt thị trường - kinh tế trong nước trong mối liên đới và biến động không ngừng của thị trường bên ngoài.

“Gánh nặng” dự báo, quản trị rủi ro này tất nhiên không chỉ đặt lên vai ngành LĐ-TB-XH, mà còn liên quan các đơn vị quản lý DN, công thương… Dự báo càng chi tiết, thẳng thắn, có độ chính xác cao thì những đề xuất phòng ngừa, điều chỉnh càng đúng hướng.

Song song đó, một mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, giám sát chặt chẽ lương, thưởng tết… cần được phát huy mạnh mẽ để đảm bảo cho đời sống NLĐ thời gian tới. Làm mạnh hơn nữa công tác dự báo thị trường lao động sẽ giúp giảm bớt rủi ro nếu nền kinh tế đột ngột biến động theo chiều tiêu cực.

 

Theo Lê Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm