Thời sự - Bình luận

Du lịch - chất và lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khách quốc tế đến ít hơn nhưng doanh thu cao hơn, kết quả này khiến ngành du lịch TP.HCM mạnh dạn hướng tới chất lượng, thay vì chạy theo bộ đếm từng đầu khách, lượt khách như thông lệ.

Đầu tiên phải khẳng định đây là thành công của TP.HCM trong bức tranh chi tiêu trên đầu khách quốc tế đến VN vẫn khiêm tốn. Nhưng nếu nói rạch ròi là chỉ cần chất lượng, không cần số lượng thì có lẽ ngành du lịch TP còn phải đi một chặng đường dài nữa. Bởi thực tế, lượng khách quốc tế đến TP.HCM năm 2023 mới chỉ đạt 60% so với trước dịch. Ở thời điểm hiện tại, những con đường "tỉ USD" ngay các trung tâm chuyên phục vụ khách ngoại chưa thoát khỏi tình trạng đóng cửa, treo bảng cho thuê. Sức khỏe của hệ thống dịch vụ, lưu trú, thương mại... vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn rất cần du khách quốc tế để thực sự phục hồi.

Thật ra, chuyện hướng tới chất lượng, tăng chi tiêu, tăng thời gian lưu trú... du khách quốc tế đến VN đã được đặt ra từ hàng thập niên trước và vẫn là mục tiêu lớn của ngành du lịch hiện nay. Chúng ta cũng có nhiều giải pháp, từ thí điểm kinh tế đêm, xây dựng bộ sản phẩm du lịch đa dạng, đầu tư hệ thống lưu trú từ bình dân đến sang trọng, hướng tới các trung tâm mua sắm... nhưng phải thừa nhận là chưa hiệu quả. Vì thế, những kết quả của TP.HCM là rất đáng tự hào. Nhưng song song thì số lượng vẫn là mục tiêu quan trọng hàng đầu hiện nay. Bởi như nói trên, thu hút khách quốc tế đến TP.HCM nói riêng và VN nói chung so với trước dịch cũng như so với các nước trong khu vực vẫn còn rất khiêm tốn. Đơn cử năm 2023, VN chỉ đứng thứ 4 Đông Nam Á với hơn 12 triệu lượt khách, thấp hơn rất nhiều con số 29 triệu lượt của Malaysia, quốc gia dẫn đầu; 27 triệu lượt khách của Thái Lan ở vị trí số 2 và Singapore đứng thứ ba với 13,6 triệu lượt... Quý 1 năm nay, khách quốc tế đến VN đã tăng rất mạnh, tới 72% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với 2019, đạt 4,6 triệu lượt. Dù đã vượt qua Singapore để vươn lên vị trí số 3 nhưng số lượng khách quốc tế đến VN cũng chỉ bằng một nửa so với Thái Lan, nước đã bứt lên lấy lại "ngôi vương" ở Đông Nam Á với hơn 9 triệu lượt khách trong quý 1.

Dẫn lại để thấy chúng ta vẫn đang khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng và ở giai đoạn này, vẫn cần phải song hành cả hai mục tiêu thì hệ sinh thái du lịch mới thực sự khỏe mạnh.

Vấn đề là tại sao lại có chuyện cần chất không cần lượng với ngành du lịch, vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói, mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế liên quan trong hệ sinh thái của nó? Cần nhớ, đa số các quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước giàu có vẫn tìm cách thu hút thêm du khách đến nước mình. Chuyện bắt nguồn từ thời gian gần đây, ở một số nước châu Âu, do khách du lịch quá đông dẫn đến giao thông quá tải, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, giá cả đắt đỏ... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân địa phương trong khi lợi ích mà họ hưởng từ du lịch lại không tương xứng. Vì thế, người dân phản đối du khách và chính quyền phải áp dụng các biện pháp kiểm soát như thu phí, hạn chế lượng khách, tạm thời đóng cửa điểm tham quan... để du lịch hiệu quả hơn, lợi ích từ du lịch mang lại hài hòa với quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ mang tính nhất thời.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khái niệm du lịch bền vững, du lịch xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia, trong đó có VN. Vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc, du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường, bảo tồn sinh thái, tiết kiệm năng lượng, giàu trải nghiệm... được lựa chọn, nhất là với thế hệ trẻ. Đây chính là giải pháp dài hạn trong phát triển du lịch nói chung, chứ không phải chỉ đơn thuần là chọn chất hay lượng.

Có thể bạn quan tâm