Báo xuân

Du Xuân vùng Đông Bắc Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chuyến du Xuân đầu năm đến vùng Đông Bắc Campuchia từ Rattanakiri đến Kam Pongthom, Siem Reap, Preah Vihear… trong tôi dậy lên tình cảm trìu mến về một vùng đất cổ kính, tươi đẹp và đầy tiềm năng ngay bên cạnh Tây Nguyên chúng ta. Dưới sông đầy ắp nước, đỏ nặng phù sa, tôm cá; trên rừng cây cối rậm rì xanh tươi. Những khu rừng nguyên sinh ngút ngàn. Vùng Đông Bắc còn là nơi chiếm 2/3 di sản UNESCO của đất nước Chùa Tháp…

AngKor-Preah Vihear một thời đế chế vàng son

Campuchia có 2 di sản vật thể  được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại là công trình kỳ vĩ Angkor (tỉnh Siem Reap) và đền Preah Vihear (tỉnh Preah Vihear). Sáng sớm khởi hành từ Phố núi Pleiku, theo đường bộ sang Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) chỉ hơn 1 giờ ngồi xe chúng tôi đã có mặt ở thành phố Ban Lung trung tâm tỉnh Rattanakiri. Từ đây lên Stung Treng, Kra Che, Kam Pongcham, Kam Pongthom, rồi đến Siem Reap, nơi có đền Angkor. Siem Reap, thành phố du lịch nổi tiếng không chỉ ở Campuchia mà cả thế giới biết đến, được xem là một trong 7 kỳ quan của nhân loại. Quanh Angkor Wat, Angkor Thom là hàng ngàn đền đài độc đáo, hoa lệ nổi tiếng của đế chế Khmer xây dựng từ nghìn năm trước. Siem Reap cách hồ Tonlé Sap (Biển Hồ) vài chục phút ô tô, cả 2 thắng cảnh thật tuyệt vời cho du khách. Siem Reap là nơi thu hút khách du lịch chính ở Campuchia.

 

Du khách trước đền Angkor. Ảnh: Đ.S

Đền Angkor Wat được vua Suryavarman II xây dựng vào đầu thế kỷ XII, Angkor Thom được xây bởi Jayavarman VII và những ngôi đền cổ kính khác rải rác trong các khu rừng kéo dài mấy chục cây số, khách du lịch có thể nhẩn nha cả tuần để khám phá. Siem Reap là thủ đô của đế quốc Khmer cho đến năm 1431. Sau 7 tháng bị quân Xiêm bao vây, một cuộc tổng tấn công đánh bại quân xâm lược nhưng người Khmer cũng bỏ luôn kinh đô này, dời về phía Nam đến Phnom Penh năm 1432, sau đó dời kinh đô một lần nữa đến Lovek và Oudong, trước khi trở  lại về Phnom Penh làm thủ phủ đến ngày nay. Những đền đài miếu mạo một thời dần đi vào quên lãng, cây cối mọc lên thành rừng xanh cho đến năm 1860 Henri Mouhot “phát hiện” Angkor Wat giữa bốn bề cây cối. Đến Angkor ta chiêm nghiệm về bàn tay, khối óc  tài hoa vĩ đại của con người thời khoa học kỹ thuật chưa phát triển nhưng đã làm nên bao điều kỳ vĩ kinh ngạc. Bây giờ, thành phố Siem Reap thơ mộng, cổ kính không kém phần văn minh hiện đại, nằm giữa khu rừng đại ngàn thơ mộng, bình yên.

Từ Siem Reap lên biên giới giáp Thái Lan, thăm ngôi đền Preah Vihear xe chạy bon bon mất khoảng 4 giờ đi  ô tô. Ngôi đền tọa lạc trên dãy núi Dângrêk gần biên giới với Thái Lan, được lấy làm tên tỉnh Preah Vihear. Sử sách kể lại ngôi đền đầu tiên được xây dựng thế kỷ IX thờ thần Shiva, kéo dài nhiều năm sau đó. Các di vật tìm được ở tỉnh này cho thấy đây là kinh đô của đế quốc Khmer thế kỷ XII. Trước đây để đến đền Preah Vihear phải đi qua lãnh thổ mà nay người Thái xác lập quyền quản lý.  Đền tọa lạc trên dãy núi dựng đứng từ hướng Campuchia lên phải trèo lên vách đá cheo leo hàng ngàn mét. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ Campuchia đã xây dựng một tuyến đường bộ men theo sườn núi rất hiểm trở để xe ô tô lên được sát đền. Việc thăm đền Preah Vihear không còn đi qua đất Thái, không còn chuyện ăn chia trong giá vé tham quan khiến 2 nước tranh chấp, có lần phải động binh.

 

Tác giả trước đền Preah Vihear. Ảnh: Đ.S

Chúng tôi được Đại tướng Chau Phaly-nguyên Phó Tư lệnh vùng Đông Bắc Campuchia dẫn lên thăm đền Preah Vihear. Từ đây phóng tầm mắt nhìn về phía Pleiku, có lẽ chì tầm 300 km đường chim bay. Trên Dângrêk nhìn về phía Hàm Rồng đất trời rộng mở, không có núi non nào đủ độ cao che chắn.

Chuyện ít biết về những ngày cuối đời của Pôn Pốt

Đông Bắc Campuchia còn hấp dẫn du khách bởi nó là căn cứ địa cuối cùng của chế độ diệt chủng Pôn Pốt, một chế độ man rợ hiếm có cuối thế kỷ XX. Từ Siem Reap theo tỉnh lộ 67 đi khoảng 150 km chúng tôi có mặt tại thị trấn Anlong Veng thuộc tỉnh Oddar Meanchey-một trong 3 căn cứ địa của Khmer Đỏ, là dinh lũy cuối cùng của Pôn Pốt. Ở Anlong Veng, Tak Mok-Tổng Tư lệnh quân đội của chế độ Pôn Pốt cho lập căn cứ cố thủ, địa thế hiểm trở, với con đường độc đạo, phía sau là dãy Dângrêk gáp Thái Lan chưa đầy 20 km. Tổng hành dinh-một khu đất nổi bao bọc bởi đầm lầy, cây cối rậm rạp. Pôn Pốt trưng tập binh lính xây dựng căn cứ này từ năm 1980 khi họ bị Quân Tình nguyện Việt Nam và nhân dân Campuchia đánh cho tơi tả đầu năm 1979. Phải đến ngày 26-3-1999 khi Ta Mok bị bắt người dân khu vực này mới thực sự được giải phóng hoàn toàn. Bây giờ từ Anlong Veng đi Preah Vihear rồi vòng qua Strung Treng về Gia Lai chỉ khoảng 8 giờ ngồi ô tô.

Từ căn cứ của Tak Mok ở thị trấn Anlong Veng lên đại bản doanh của Khmer Đỏ ở núi Dangrek là Cửa khẩu Choam giáp Thái Lan. Vùng đất đang ngày càng phát triển, có chợ biên giới, điểm du lịch còn đầy dấu tích chiến tranh. Trên dãy Dângrek nơi Pôn Pốt lập căn cứ cố thủ, địa hình hiểm trở, cây rừng rậm rạp. Chúng tôi được người dân ở đây dẫn đi xem đại bản doanh của Pôn Pốt và nấm mồ tên đồ tể một thời. Theo Đại tướng Chau Phaly, những năm cuối đời, Pôn Pốt nghi kỵ Tak Mok âm mưu tiếm quyền nên tìm cách trừ khử. Pôn Pốt cho người thủ tiêu cánh tay phải của Tak Mok là Phó Tổng Tư lệnh Sonsen. Một ngày cuối năm 1997, lính của Pôn Pốt đến nhà Sonsen trên dãy Dangrek gọi Sonsen “đi họp”. Khi Sonsen vừa bước ra cửa, liền bị quân của Pôn Pốt chĩa súng vào đầu bóp cò. Vợ và 2 người con nhỏ của Sonsen trong căn nhà này cùng chịu chung số phận, một số người con khác ở xa may mắn thoát được.

Biết âm mưu của Pôn Pốt, Tak Mok lập tức cho quân bao vây bắt Pôn Pốt giam lỏng trong một căn chòi ngoài rừng, cách cửa khẩu Choam vài trăm mét. Tak Mok để thức ăn, nước uống trong khu vực nhốt Pôn Pốt đủ sống 3 năm. Quanh căn chòi giam Pôn Pốt, quân của Tak Mok gài dày đặc bom mìn và cho lính canh phòng. Pôn Pốt đã sống trong cuộc đời giam lỏng như thế được khoảng 6 tháng thì chết. Bây giờ, những chiếc lốp xe đốt xác Pôn Pốt cháy dở còn vất vưởng quanh ngôi mộ sơ sài tàn lụi với tấm bia mộ là miếng tôn ghi mấy chữ Khmer và ít người lui tới.

 

Nấm mồ Pôn Pốt. Ảnh: Đ.S

Vùng Đông Bắc Campuchia với những địa danh như Rattanakiri, Stung Treng, Kam Pongthom, Preah Vihear… nơi hàng ngàn chiến sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam đã nằm lại đất này trong cuộc chiến hỗ trợ quân đội nhân dân nước bạn năm 1979 tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong những khu rừng ngút ngàn, hay thẳm sâu dưới thung lũng đầm lầy, từ nhiều năm nay, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak… đã cất bốc hàng trăm hài cốt đồng đội mang về.

Sau khi tàn quân Pôn Pốt sụp đổ, từ chục năm trở lại đây, vùng Đông Bắc Campuchia thay da đổi thịt nhanh chóng. Người dân nước bạn ra sức làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bước chân đến vùng này tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang; Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Công ty 72…

Đến Đông Bắc Campuchia không những chỉ để tham quan, nhìn ngắm những đền đài thành quách cổ xưa với những phù điêu tuyệt kỹ mà hàng ngàn năm trước đế chế Khmer rực rỡ đã kiến tạo, hay ngắm thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Chùa Tháp suy ngẫm về con người và cuộc chiến mà nơi đây đang mở ra cơ hội làm ăn cho những doanh nhân biết dấn thân...

Đắc Sơn

Có thể bạn quan tâm