(GLO)- Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo, với gần 400 chức sắc và hơn 340 tu sĩ, 188 cơ sở thờ tự và sinh hoạt tôn giáo. Đồng bào theo các tôn giáo có hơn 330.600 người (chiếm khoảng gần 30% dân số trong tỉnh), trong đó riêng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và Tin lành chiếm hơn 48% tín đồ các tôn giáo.
Trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, hoạt động của các tôn giáo tại Gia Lai ngày càng thuận lợi, thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tôn giáo cho chức sắc, chức việc đạo Tin lành Việt Nam-miền Nam. Ảnh: T.N |
Ban Tôn giáo tỉnh đã tham mưu cho tỉnh tạo điều kiện để đồng bào Công giáo và Tin lành đón Giáng sinh, cũng như tổ chức các ngày lễ trọng hàng năm, tạo thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục đất đai để xây dựng nhà thờ Công giáo và Tin lành, đào tạo phong chức, phong phẩm đối với các chức sắc, tu sĩ.
Đặc biệt là sau khi Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam (HTTLVN-MN) và Ban đại diện Tin lành tỉnh được thành lập vào năm 2001, đến nay toàn tỉnh có 55 chi hội trực thuộc đi vào hoạt động. Các chi hội đã xây dựng hơn 20 nhà thờ và nhiều công trình khác đang tiếp tục được xây dựng. Thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện để HTTLVN-MN tổ chức tấn phong gần 30 mục sư (gồm 13 mục sư thực thụ và 14 mục sư nhiệm chức).
Ở các chi hội trong tỉnh còn có 452 tín hữu là thành viên trong các ban chấp sự. Ban Tôn giáo tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép HTTLVN-MN tổ chức kỷ niệm 65 năm Tin lành đến Gia Lai, tạo điều kiện để Ban Đại diện Tin lành tỉnh phối hợp với HTTLVN-MN mở lớp thần học cho gần 50 học viên, đến nay tất cả số học viên trên đã được Ban Đại diện Tin lành tỉnh phân công về các chi hội trên địa bàn.
Từ năm 2006, Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục cho tín đồ đạo Tin lành hệ phái Truyền giáo Cơ đốc đăng ký điểm nhóm và Hội thánh cơ sở, nhằm đảm bảo đưa các hoạt động tôn giáo của hệ phái Tin lành Truyền giáo Cơ đốc đi vào sinh hoạt ổn định theo quy định của pháp luật. Vào tháng 5-2008, Hội thánh Tin lành Plei Marin (xã Ia Ma Rơn-huyện Ia Pa) thuộc hệ phái Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam tổ chức Hội đồng lần thứ nhất.
Ảnh: Thanh Nhật |
Đây là Hội thánh đầu tiên của hệ phái này tổ chức Hội đồng thành lập Hội thánh cơ sở. Hiện Hội thánh Tin lành Plei Marin còn có các điểm nhóm trực thuộc đã được đăng ký sinh hoạt trên địa bàn thị xã Ayun Pa và hai huyện Ia Pa, Phú Thiện), tổng số tín đồ của hệ phái này hơn 2.300 người.
Cùng với việc tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Cao đài sinh hoạt ổn định, cũng như tạo thuận lợi để các họ đạo thuộc 3 Hội thánh Cao đài (gồm Cao đài Tây Ninh, Cao đài Truyền giáo và Cao đài Cầu Kho Tam Quan) tại Gia Lai tổ chức Đại hội Nhơn sanh và xây dựng cơ sở thờ tự. Ban Tôn giáo tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện để đạo Baha’i là tôn giáo thứ 5 được hoạt động chính thức (sau khi được Nhà nước công nhận từ tháng 7-2008). Cộng đồng tôn giáo Baha’i tại Gia Lai hiện có gần 60 tín đồ sinh hoạt đạo.
Riêng về hoạt động của Phật giáo tại Gia Lai, tiêu biểu những năm gần đây là lễ Phật đản với quy mô hướng về Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc hàng năm. Ban Tôn giáo tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo đăng cai tổ chức Đại Giới đàn Cam lộ, tổ chức Đại lễ Phật giáo chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2010) nhằm phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn, kêu gọi toàn thể chức sắc, tăng ni và phật tử tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, gần đây là việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2012-2017).
Nhiều chức sắc và tăng ni đã được UBND tỉnh khen thưởng về thành tích tiêu biểu thực hiện tốt đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, xây dựng Giáo hội và khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Cũng trong việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, tỉnh đã chấp thuận cho thuyên chuyển hơn 70 trường hợp tu sĩ và chức sắc, phong chức và phong phẩm, cho phép trùng tu và xây dựng lại hơn 70 cơ sở thờ tự, tạo điều kiện thủ tục đi học các trường tôn giáo trên 150 trường hợp. Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các ngành chức năng tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo, Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) về công tác dân tộc và tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho gần 3.000 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo... Qua đó đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo.
Những thành quả đạt được của tỉnh nói chung và Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai nói riêng trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo là những bằng chứng sinh động thể hiện rõ chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo tại địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực và niềm tin tưởng, phấn khởi trong chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Thanh Nhật