Thời sự - Bình luận

Đưa công nhân trở lại nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, khi dịch Covid-19 lắng xuống, các doanh nghiệp (DN) tại phía Nam bắt đầu khôi phục sản xuất đã phải đối diện tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động.

Ở tỉnh Bình Dương, hơn 300.000 lao động đã về quê, các KCX-KCN TP HCM cũng có hơn 31.000 lao động chưa trở lại TP. Nhiều DN chỉ có khoảng 40% tổng số lao động ở lại...

Nỗi lo gián đoạn sản xuất, các đơn hàng bị ảnh hưởng khiến nhiều giám đốc DN như ngồi trên đống lửa. Trước đây, họ từng trân quý nguồn lao động của mình qua những đãi ngộ, thậm chí chấp nhận chi phí tăng gấp 3-4 lần để duy trì sản xuất "3 tại chỗ" nhằm giữ cho được nguồn lao động. Nhưng đại dịch là tác động khách quan, vượt quá khả năng chịu đựng của DN. Nay lại thiếu nguồn cung lao động, như một tác động kép, khiến DN càng khó khăn hơn.

 

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Giải những bài toán lao động - việc làm không chỉ gắn với chất lượng cuộc sống - việc làm, tâm tư nguyện vọng của người lao động (NLĐ), mà còn phải sát thực với nhu cầu, năng lực của DN. Qua khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động, 89% lao động trở về quê và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Do đó, phải tìm cách đưa họ trở lại nhà máy một cách nhanh nhất, bởi tuyển mới trong thời điểm sau dịch là rất khó khăn với các DN (chỉ riêng ngành dệt may, phải mất từ 3-5 tháng mới có thể có đủ nguồn cung lao động)…

Đó cũng là lý do Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm về kết nối cung - cầu lao động vào ngày 1-10. Tại tọa đàm, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, cùng với việc công bố ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động tại địa chỉ nld.com.vn do Báo Người Lao Động chủ trì, phối hợp với 3 đối tác để thực hiện. Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, khẳng định đây sẽ là địa chỉ để người tìm việc - việc tìm người gặp nhau; kết nối đào tạo - tuyển dụng giữa các trường đại học và DN, giữa DN với các tỉnh, thành và các tỉnh, thành với nhau.

Một trong những điều kiện cần thiết để có nguồn lao động bền vững là "thẻ xanh vắc-xin". Phải nỗ lực để bao phủ vắc-xin trong đội ngũ công nhân, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 cho công nhân hơn nữa. Có "thẻ xanh vắc-xin", NLĐ và DN càng thêm an tâm, giúp DN có được nguồn lao động bảo đảm sức khỏe và sẵn sàng gắn bó. Đồng thời, phải có các giải pháp thông thoáng để hỗ trợ NLĐ quay trở lại nhà máy. Việc này đòi hỏi chính quyền các địa phương có sự liên thông, thống nhất, với quan điểm rõ ràng để nhanh chóng đưa NLĐ trở lại nơi làm việc. Chính quyền cùng với DN bố trí phương tiện đón NLĐ từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi NLĐ trở lại DN, như khuyến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam…

Điều căn cơ nhất vẫn luôn là quan tâm sâu sắc đến đời sống, việc làm của NLĐ và các chế độ phúc lợi. Mục tiêu và cũng là động lực của các bên trong quan hệ lao động phải là việc làm bền vững. DN càng chăm lo tốt cho NLĐ thì NLĐ càng nỗ lực đóng góp, đưa DN phát triển vững mạnh và việc làm - đời sống của NLĐ ngày càng bền vững hơn. Đồng thời, các phúc lợi NLĐ được hưởng thể hiện sự ưu việt trong chính sách của DN, tạo sự an tâm, gắn bó lâu dài, đưa DN phát triển vững vàng hơn.

Theo HOÀNG HOA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm