Đức Cơ: Nỗ lực quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện Đức Cơ đã giảm mạnh. Có được điều đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, sự tích cực  của cơ quan chức năng và các chủ rừng trong việc triển khai giải pháp quản lý bảo vệ rừng.
 
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của huyện đã phát hiện 15 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, có 7 vụ vận chuyển lâm sản, 3 vụ cất giữ lâm sản trái phép, 5 vụ phá rừng với diện tích hơn 1,1 ha. Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 9,2 m3 gỗ các loại, 2 xe ô tô, 2 xe máy độ chế; tổng số tiền phạt và bán tang vật, phương tiện tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 52,8 triệu đồng.

 

Lãnh đạo huyện Đức Cơ và đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra khu vực chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su. Ảnh: L.N

Ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, cho biết: “Đức Cơ trước đây được xem là điểm nóng của tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Song nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên đã giúp nhân dân tiếp thu tốt hơn chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể”.

Ngoài ra, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các lực lượng  trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai xây dựng quy chế phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ và UBND các xã, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng và 2 huyện giáp ranh là Chư Prông, Ia Grai về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ, cho biết: “Chúng tôi chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và trồng rừng. Đơn vị chỉ đạo cho các trạm quản lý bảo vệ rừng ngăn chặn không cho các đối tượng vào rừng làm nương rẫy và phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã xác minh, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm”.

Hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đức Cơ là hơn 16 ngàn ha, gồm hơn 7 ngàn ha rừng tự nhiên và khoảng 9 ngàn ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp này hoặc không có rừng hoặc đã bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Đặc biệt, trên địa bàn có xã Ia Kriêng hiện còn giữ được cánh rừng hương với hơn 2 ngàn cây lớn nhỏ. Những năm qua, chính quyền địa phương và người dân luôn nêu cao ý thức bảo vệ rừng hương này. Ông Rơ Mah Le-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng, cho biết: “Từ khi xã được giao nhiệm vụ quản lý, rừng hương không mất một cây nào. Hiện cả 8 thôn, làng trên địa bàn xã đều biết khu vực này có gỗ quý hiếm nên bà con ý thức rõ việc bảo vệ và giữ gìn. Bên cạnh đó, để bảo vệ tốt hơn, chúng tôi đang đề xuất với huyện kéo điện vào rừng hương và khoan giếng để giúp cho 2 người hợp đồng bảo vệ ở lại rừng ổn định nơi ăn, chốn ở”.

Nói về khu rừng đặc biệt này, ông Bùi Quang Thịnh cho biết thêm: “Việc bảo vệ rừng hương có nhiều biện pháp, nhưng chủ yếu là tập trung tuyên truyền cho người dân địa phương để bà con có ý thức quản lý bảo vệ. Ngoài ra, chúng tôi đã làm văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để bảo tồn và bảo vệ nguồn giống cây hương tại khu vực này”.

Tuy nhiên, Đức Cơ là huyện biên giới có địa hình rộng, tiếp giáp với nhiều địa phương và có đường biên giới dài tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) nên công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn. “Hàng ngày có đủ các thành phần từ các nơi khác về đây nên rất khó quản lý. Huyện có rất nhiều đường liên thông với các địa phương khác nên công tác quản lý, tuần tra kiểm soát cũng phức tạp. Ngoài ra, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, ỷ lại nên vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy... Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện là thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng, vì phần lớn diện tích bị lấn chiếm người dân đã canh tác lâu năm, trồng cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su trên đó và đã cho thu nhập ổn định”-ông Thịnh cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm