Theo nhiều bạn đọc nếu cơ quan chức năng giải quyết sự việc ngay khi người dân phản ánh thì sẽ ngăn ngừa được án mạng chấn động tại Quảng Nam.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ án mạng vào tối 14.6 (ảnh Mạnh Cường) |
Vụ án mạng chấn động vùng quê ở Quảng Nam chỉ vì 'cái chuồng heo' khiến người cha tử vong, 2 con bị thương nặng, theo bạn đọc có thể sẽ được ngăn ngừa nếu chính quyền địa phương sâu sát, giải quyết sự việc ngay khi còn âm ỉ.
Từ 16 - 18 giờ ngày 14.6, một nhóm người đã 3 lần mang hung khí đến nhà ông Phạm Hồng Văn (62 tuổi, ở thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) truy sát khiến ông Văn tử vong,2 con trai ông là Phạm Ngọc Cấp (28 tuổi) và Phạm Ngọc Phát (26 tuổi) bị thương nặng.
Truy trách nhiệm đơn vị nhận phản ánh nhưng không xử lý
Án mạng bắt nguồn từ việc do không chịu được mùi hôi bốc ra từ khu chuồng heo của gia đình ông Nguyễn Văn Mười (hàng xóm), anh Cấp xảy ra mâu thuẫn với hàng xóm. Cũng theo anh Cấp, gia đình anh đã phản ánh với chính quyền địa phương. Khi bị truy sát lần thứ hai, ông Văn cũng đã trình báo với công an thôn. Đến khi gia đình ông Văn bị truy sát lần thứ ba, công an thôn và xã mới có mặt ở hiện trường. Thế nhưng, cả ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, và đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đều cho biết địa phương cũng như công an xã chưa nhận được trình báo của gia đình ông Văn. Riêng đại tá Dũng nói thêm, “sẽ cho kiểm tra lại”.
Về việc này, bạn đọc (BĐ) Trần Chương (TP.HCM) bức xúc: “Chính quyền địa phương mà đụng đến là không nghe, không thấy...”. Theo BĐ Bảo Toàn (TP.HCM), chỉ cần kiểm tra điện thoại là biết ngay có báo hay không báo, khỏi chối khỏi đôi co. “Tôi nghĩ công an cấp trên thừa khả năng kiểm tra xem gia đình ông Văn có báo điện thoại cho công địa phương hay không”, Bảo Toàn viết. BĐ mong rằng, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ án mạng “đừng bao biện, hãy nhìn thẳng vào sự việc để rút kinh nghiệm”.
Trong bài viết Vụ côn đồ truy sát chấn động vùng quê: Chính quyền địa phương ở đâu? đăng trên Báo Thanh Niên (số ra ngày 17.6), theo đại tá Dũng, công an địa phương rất có trách nhiệm với dân, nhưng lực lượng quá mỏng nên sẽ khó giải quyết hết các vấn đề theo ý nguyện của từng gia đình, từng cá nhân. Tuy nhiên, nếu người nhà bị hại báo tin mà công an không can thiệp kịp thời thì phải xem lại trách nhiệm. Đây cũng là ý kiến của nhiều BĐ. “Đề nghị truy cứu trách nhiệm công an xã và các đơn vị đã tiếp nhận phản ánh chuồng heo gây mùi hôi thối nhưng không xử lý”, BĐ Trần Công Đạo (Quảng Nam) kiến nghị. Trước ý kiến của đại tá Dũng cho rằng “lực lượng mỏng”, BĐ Tạ Tuấn Anh (TP.HCM) viết: “Hãy kiểm tra lại xem các “lực lượng” làm gì trong thời gian làm việc sẽ biết ngay”.
Công tác phòng ngừa bị xem nhẹ
Đại tá Dũng nói: “Trường hợp 3 lần xảy ra truy sát, có thể anh em nắm thông tin hơi muộn. Đôi khi anh em lại suy nghĩ ở địa phương vốn yên bình thì làm gì có chuyện truy sát như vậy, dẫn đến chủ quan”. Nhưng BĐ Phạm Long (Lâm Đồng) cho rằng: “Đúng là làng quê vốn yên bình nhưng không có nghĩa là lực lượng công an được chủ quan, bê trễ. Nếu công an đến sớm thì có lẽ không xảy ra sự việc như vậy. Có thể nói công tác phòng ngừa đã bị xem nhẹ”.
Yếu tố phòng ngừa cũng là vấn đề được nhiều BĐ đưa ra, bên cạnh trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. “Người dân báo án rồi mà không can thiệp để xảy ra án mạng thì phải truy trách nhiệm. Ở nông thôn đủ loại xích mích. Nếu địa phương hờ hững không giải quyết kịp thời thì còn nhiều vụ án đau lòng nữa”, BĐ Bùi Như Thuần (Thừa Thiên - Huế) cảnh báo.
Dân trình báo thì bảo lên phường viết đơn trình bày mới xuống giải quyết. Viết chưa xong đơn thì chuyện đã xảy ra rồi. (Lê Đình Thông, email: ldthong77@..., Đà Nẵng) “Công an thôn”, có nghĩa là ở rất gần nhà dân để quản lý động tĩnh từng hộ. Chuyện chuồng lợn ô nhiễm môi trường có tranh chấp đã phạt tiền người bị hại, mà chối không biết, không nghe, không thấy và “lực lượng mỏng” ư? (Thanh Bình, email: thanhbinh@..., Hà Nội) Vụ côn đồ truy sát chấn động vùng quê đã đặt cho ngành công an nhiều việc phải làm; trong đó công tác quản lý địa bàn, kiểm soát, theo dõi đối tượng, phòng ngừa tội phạm rất quan trọng, không bao giờ lơ là, chủ quan. (Thanh Thiên, email: habskte@..., TP.HCM) |
Tường Vy (thanhnien)