Thời sự - Bình luận

Đừng coi đồng tiền như bánh xe bò!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngay khi đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 2019, có doanh nghiệp hứa thưởng lớn cho các cô gái vàng nhưng cuối cùng mọi thứ chỉ là "bánh vẽ".



SEA Games năm 2017, sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV lần thứ 5, cũng có nhiều doanh nghiệp hứa thưởng lớn cho các cô gái vàng nhưng cuối cùng mọi thứ chỉ là "bánh vẽ".

 Bị báo chí, dư luận chỉ trích dữ dội, những tưởng chuyện xấu xí ấy không tái diễn, thế nhưng vì muốn ăn theo tiếng tăm của đội tuyển sau SEA Games 30, lại có doanh nghiệp "chai mặt" làm chuyện khó coi này.

Ngay khi biết các doanh nghiệp hứa thưởng với số tiền tượng trưng lên đến 22 tỉ đồng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ai cũng cảm thấy vui mừng, nhất là các nữ tuyển thủ vốn chịu nhiều thiệt thòi khi theo nghiệp quần đùi áo số. Tại SEA Games 30 vừa qua, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã thi đấu tận hiến đến giây phút cuối cùng để mang lại thành tích vẻ vang là chiếc huy chương vàng SEA Games lần thứ 6 trong lịch sử - một kỷ lục của bóng đá nữ khu vực. Hình ảnh các tuyển thủ nữ phải vắt kiệt sức, thậm chí phải đổ máu trên sân để bảo vệ thành quả và mang vinh quang về cho Tổ quốc đã gây xúc động cho hàng triệu người hâm mộ nước nhà.

Cảm phục điều đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp với tấm lòng đầy trân trọng đã dành cho đội tuyển nữ sự tưởng thưởng xứng đáng. Đó cũng là sự ghi nhận thực thụ từ xã hội, từ giới doanh nhân cho quá trình những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cô gái vàng Việt Nam.

Đến thời điểm này, có những khoản thưởng đã đến tay các tuyển thủ nữ. Phần khác còn bị " kẹt" lại do vướng những thủ tục giải ngân khách quan. Nhưng đáng buồn, lại có những khoản tiền bị "xù" một cách trắng trợn với lý do nghe rất buồn cười.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã đưa ra yêu cầu chỉ giải ngân 500 triệu đồng tiền thưởng "khi nào được cung cấp danh sách chi tiết cầu thủ nhận thưởng và số tài khoản cá nhân". Mới nghe qua cứ ngỡ đây là đề nghị hợp lý vì sự minh bạch, công bằng trên cơ sở quan tâm chân thành đến từng cá nhân cầu thủ. Nhưng kỳ thật, đó là một thứ " yêu sách" vừa thiếu tế nhị, vừa vô lý.

 Khi các cầu thủ nữ bước ra sân, họ không mặc cả với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào mà chỉ biết thi đấu hết mình vì trách nhiệm và màu cờ sắc áo quốc gia. Cho đến trước khi họ mang về thành tích quý giá tại SEA Games vừa rồi, toàn đội không bị bắt buộc phải cam kết với ai, điều gì hay nhận thưởng bằng cách nào?! Chỉ biết rằng, người hâm mộ thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh cầu thủ bằng tình yêu, tinh thần cổ động. Còn doanh nghiệp thì cụ thể hóa tình cảm, sự ghi nhận đó bằng vật chất thông qua các khoản thưởng dựa trên tinh thần tự nguyện là chính.

Ở đây cần hiểu rằng, thầy trò HLV Mai Đức Chung không xin ai cả. Thậm chí, việc các cá nhân, doanh nghiệp tiến hành trao thưởng cho đội tuyển nữ thì đồng thời cũng mang đến cái lợi về thương hiệu cho chính họ.

Phải thừa nhận, tấm lòng của nhiều doanh nghiệp (tử tế) là có thật! Nhưng xét ở góc độ PR, quảng cáo doanh nghiệp cũng sẽ thu về những cái lợi vô hình. Thành ra mới có chuyện, nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng việc này để tô vẽ cho tên tuổi của họ, rồi sau đó " bặt vô âm tín". Những cá nhân, doanh nghiệp dạng này lúc cao hứng muốn "lấy le" với công chúng. Họ tỏ ra mình rất quan tâm đến bóng đá, thể hiện trách nhiệm xã hội lớn lao. Thế nhưng, vì bản chất họ không đàng hoàng, thiếu tử tế nên "nói không đi đôi với làm".

Cũng có doanh nghiệp hay "vui đâu chúc đó", tuyên bố này nọ rồi nói trước quên sau, nhìn lại hầu bao thấy mình chưa đủ "lực". Lại có doanh nghiệp "đu trend" làm màu, lợi dụng thương hiệu, tên tuổi đội tuyển nữ nhằm quảng bá "chùa" và xem rẻ lời hứa của chính mình

"Của cho không bằng cách cho"! Các tuyển thủ nữ Việt Nam đúng là còn nhiều khó khăn. Điều kiện ăn ở tập luyện, chế độ đãi ngộ với họ hiện còn chưa xứng đáng. Thế nhưng, họ không cần tiền đến mức phải làm theo những yêu cầu và đòi hỏi vô lý của những "trọc phú". 

Nói như HLV Mai Đức Chung: "Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn". Xưa nay, chuyện chia thưởng như thế nào thuộc vấn đề nội bộ đội tuyển, dựa trên cơ sở phân công lao động và sự đóng góp của từng thành viên. Nói thẳng ra, sử dụng tiền thưởng không phải sử dụng ngân sách Nhà nước mà phải đòi hỏi giải trình. Sử dụng tiền thưởng như thế nào là quyền riêng tư của người nhận thưởng nên họ cần được tôn trọng. Ở đây, các cầu thủ không đánh đổi lòng tự trọng với vài ba đồng bạc rẻ rúng dù họ cũng còn nhiều khó khăn.

Vì vậy cách ứng xử như lãnh đạo Tập đoàn hóa chất Đức Giang và những doanh nghiệp có ý nghĩ tương tự chỉ gây tổn hại cho uy tín và thương hiệu của chính họ mà thôi. Nếu xem đồng tiền "như bánh xe bò", thì tốt nhất đừng thể hiện sự hào phóng giả tạo.

Hãy ứng xử bằng tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng lẫn nhau. Đó là điều các cô gái vàng bóng đá nữ mong muốn!

 

Theo Huỳnh Sang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm