Thời sự - Bình luận

Dùng dằng khó cấm, khó buông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Câu chuyện bội thực các cuộc thi nhan sắc là hệ quả tất yếu khi quy định trở nên thông thoáng. Nhưng, câu chuyện thả nổi hay cấm vẫn luôn gây tranh cãi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Trước đây, Nghị định 79 của Cục Nghệ thuật biểu diễn quy định mỗi năm chỉ tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Để không phạm luật, một số đơn vị hoặc đưa ra nước ngoài tổ chức hoặc phải chấp nhận tên gọi cuộc thi chỉ là hoa khôi, nữ hoàng, người mẫu...

Khi Nghị định 144/2020 ra đời đã cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm và chỉ phải xin phép UBND cấp tỉnh nơi diễn ra thay vì phải có giấy phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Và như đã thấy, năm 2022 là thời điểm bùng nổ các cuộc thi nhan sắc. 6 tháng đầu năm đã có gần 20 cuộc thi. Từ nay đến cuối năm, con số cũng không dưới 10. Độ tuổi, lĩnh vực và giới tính nào cũng có cuộc thi cho riêng mình. Không chỉ trong nước, người đẹp Việt còn đổ xô đi thi quốc tế dù có cuộc thi chỉ có lèo tèo chưa đến 10 thí sinh tham dự.   

Danh xưng hoa hậu luôn là khao khát của nhiều người. Nhiều cuộc thi vẫn thu hút không ít nhà tài trợ. Và tất yếu, nắm được nhu cầu ấy, liên tiếp nhiều cuộc thi ra đời, thậm chí bất chấp tổ chức khi chưa được cấp phép như trường hợp mới nhất của cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam. Không ít đơn vị đặt yếu tố kinh doanh và thu lợi lên trên mục tiêu tìm kiếm những người nhân tố xứng đáng và góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng.   

Thực tế, không phải đến thời điểm này tình trạng lạm phát mới xảy ra ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Những năm 2010 là sự bùng nổ đồng thời ở lĩnh vực phim truyền hình, điện ảnh cũng như game show và truyền hình thực tế. Khi quy định buộc phải chiếu phim Việt Nam với tỷ lệ 30% được đưa ra, khán giả chứng kiến cuộc chạy đua khủng khiếp về số lượng phim truyền hình. Đó là thời điểm nhà nhà, người người đổ xô làm phim truyền hình. Nhiều đơn vị sản xuất tư nhân thời điểm đó sản xuất cả ngàn tập phim mỗi năm. Tương tự, mảng sản xuất các chương trình giải trí trên truyền hình cũng bước vào thời kỳ phát triển mất kiểm soát. Dồn dập các chương trình truyền hình đình đám trên thế giới được mua về sản xuất tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt. Hầu hết sóng giờ vàng của các đài truyền hình thuộc về game show và truyền hình thực tế. Ở lĩnh vực điện ảnh, khi xã hội hóa bùng nổ cũng chứng kiến sự nhập cuộc của các đơn vị sản xuất tư nhân khiến số lượng phim tăng vọt, gấp 2-3 lần thời điểm trước 2010. Hệ lụy, rất nhiều phim hài nhảm, thảm họa… ra đời.

Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý tin vào quy luật sàng lọc tất yếu và tự nhiên ở các cuộc thi nhan sắc. Cuộc thi nào uy tín, chất lượng sẽ được giữ lại và ngược lại sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, quy luật này sẽ khó hơn rất nhiều so với thực tế đã diễn ra ở lĩnh vực phim ảnh hay game show. Bởi việc “cuồng” danh hiệu hoa hậu hiện chưa chắc đang ở giai đoạn đỉnh điểm, nói gì đến thoái trào. Khi cánh cửa quy định mở ra, nhiều đơn vị không phải tổ chức thi chui hay đưa cuộc thi ra nước ngoài mà đường hoàng tổ chức trong nước. Danh xưng “hoa hậu” dường như luôn có hấp lực và giá trị “đánh bóng” tên tuổi hơn rất nhiều so với nhiều danh xưng khác. Thế nên, rất nhiều người đang lao vào bất chấp.

Với rất nhiều bất cập đang diễn ra, việc “thả nổi” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần phải được nhìn nhận thấu đáo hơn. Riêng ở lĩnh vực hoa hậu, càng không thể và cũng không nên chờ cho đến khi khán giả bội thực rồi quay lưng, tẩy chay giống như với phim ảnh hay game show. Muốn tránh tiền hậu bất nhất trong quy định, từ câu chuyện cấp phép đến xử phạt cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Từ đó sẽ tạo tiền đề tích cực, tránh tiền lệ xấu để không còn cảnh chạy theo xử lý vụ việc khi sự đã rồi.

Theo VĂN TUẤN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm