Thời sự - Bình luận

Đừng để "đất chết"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuối tuần qua, khi trả lời tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, trước đây cả nước có 28.155ha đất bị lãng phí do dự án chậm tiến độ, dự án treo, thời gian qua đã giải quyết được 10.000ha, hiện còn khoảng 18.000ha. Điều này minh chứng quy hoạch treo đã trở thành “bệnh nan y”, luôn nóng bỏng khi đề cập tới!

 

Tình trạng quy hoạch treo và dự án treo tồn tại nhiều năm qua đã làm lãng phí nguồn lực đất đai
Tình trạng quy hoạch treo và dự án treo tồn tại nhiều năm qua đã làm lãng phí nguồn lực đất đai


Bởi vì, đã rất lâu quy hoạch treo trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân có nhà, đất bị vướng vào. Mới đây, tại buổi tọa đàm “Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Gỡ rào cản, phát huy nội lực” do Báo SGGP tổ chức, ông Nguyễn Văn Tư (quận 10, TPHCM) kể trường hợp của mình đã khiến các đại biểu tham dự xót xa. Số là, hàng chục năm trước ông nhận chuyển nhượng khu đất nông nghiệp có diện tích 1.089m2, có sổ đỏ, tọa lạc tại ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Thế nhưng, khu đất bị vướng 3 quy hoạch: giao thông, bến xe, công viên. Về hưu đã lâu, sức khỏe giảm sút, ông muốn xin xây một cái nhà nho nhỏ để nuôi gà, vịt tại miếng đất nông nghiệp nói trên thì chính quyền địa phương trả lời không được vì vướng quy hoạch. Nhưng chính quyền địa phương cũng không trả lời được khi nào làm dự án để đền bù cho dân. Thế là khu đất của ông trở thành “đất chết”!

Nước ta có bao nhiêu diện tích đất, nhà dân bị quy hoạch treo? Câu trả lời thật khó, nhưng có thể điểm lại một số dự án quy hoạch treo hàng chục năm qua, riêng ở TPHCM như: Bán đảo Thanh Đa, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu E thuộc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi… Nhóm tiếp theo là những dự án đã có chủ trương hoặc quyết định giao đất cho chủ đầu tư nhưng không triển khai; sau cùng là loại quy hoạch hẻm, lộ giới, công viên cây xanh, nhà ga, công trình công cộng. Tất cả những loại quy hoạch này đều có mục đích tốt đẹp là phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện trạng là “giam giữ” quyền lợi của người dân.

Điểm lại luật pháp về nhà đất xuyên suốt các thời kỳ cho thấy, quyền lợi người dân được đặt lên hàng đầu. Ví dụ, dự án không thực hiện thì thu hồi; quy hoạch không khả thi thì xóa quy hoạch hoặc xem xét điều chỉnh, làm quy hoạch phải lấy ý kiến người dân… Đặc biệt, từ trung ương cho đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo xóa quy hoạch treo nhưng vẫn còn đó bức xúc của người dân, tức vẫn còn khoảng vênh giữa quy định của pháp luật và thực tế.

Do vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải nhìn rõ và tìm giải pháp để hóa giải vấn đề quy hoạch treo. Nhiều chuyên gia hiến kế, nền kinh tế nước ta đã lớn mạnh, là cơ sở để chăm lo an sinh xã hội cho người dân có nhà, đất bị quy hoạch treo, rồi tiếp đó là bị thu hồi đất. Giải pháp xử lý những nhà đất nằm trong khu quy hoạch treo được nhiều chuyên gia gợi ý như sau: Cho phép người dân xây nhà, tách thửa, cấp giấy chủ quyền, cho chuyển nhượng. Tất cả các chi phí này sẽ được cộng vào việc đấu giá hoặc đấu thầu thực hiện dự án sau này. Đối với các dự án phát triển kinh tế, người dân phải được góp đất cùng chủ đầu tư để chia sản phẩm, ràng buộc chủ đầu tư có trách nhiệm với cộng đồng và người dân được thỏa mãn khi nhận quyền lợi. Từ đó sẽ xóa bỏ mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư, chính quyền chỉ làm trọng tài mà không phải tiếp nhận những đơn thư khiếu kiện. Đặc biệt, phải có chế tài đối với đơn vị làm quy hoạch, lúc đó trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ cân nhắc hết mực trước khi ký ban hành quy hoạch.

Những vấn đề này đưa vào luật, thực hiện chắc chắn sẽ mang lại niềm tin cho người dân, giảm tối đa kiện tụng. Từ đó, các quyết sách lớn của nhà nước được thực thi thuận lợi. Chắc chắn những người như ông Tư sẽ vui vẻ với chính sách đất đai của nhà nước, sẽ không còn “đất chết”; chính quyền không còn bận lòng với quy hoạch treo.

Theo LƯƠNG THIỆN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm