Thời sự - Bình luận

Đừng để lợi ích cá nhân phá vỡ mọi liên kết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Liên kết là để tạo sự cộng hưởng trong phát triển. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên kết là hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng hợp tác và cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Việc tham gia liên kết sẽ đem lại nhiều cơ hội, lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo chỗ đứng trên thị trường.

Thực tế cho thấy, việc liên kết doanh nghiệp tại Gia Lai đang rất yếu. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều... mạnh ai nấy làm, thường trực tư tưởng cạnh tranh lẫn nhau chứ không muốn chia sẻ. Có lần, ngồi nói chuyện với một doanh nhân trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, anh cho hay: “Có người trẻ nào lại không muốn được học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh từ những người đi trước. Tôi cũng mong khi mình tham gia vào các hội, nhóm liên quan hoặc chỉ cần được tiếp xúc, tiếp cận nhiều “tiền bối” thì sẽ được họ truyền dạy kinh nghiệm để làm. Nhưng trên thực tế thì không vậy. Thậm chí, trong những cuộc trà dư tửu hậu, tôi nghe có người nói rằng, họ đã phải trả giá rất nhiều để có thể đúc kết kinh nghiệm, phải tốn nhiều thời gian mới tìm ra được hướng đi và tạo vị thế như hiện tại, dại gì đem những điều đó đi... cho không”.

Các doanh nghiệp tăng cường liên kết để tối đa hóa nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh để mở rộng thị trường. Ảnh Hà Duy

Các doanh nghiệp tăng cường liên kết để tối đa hóa nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh để mở rộng thị trường. Ảnh Hà Duy

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, việc liên kết kinh doanh là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp tối đa hóa nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp các bên cùng phát triển. Song, thực tế có doanh nghiệp chỉ muốn mình họ phát triển mà không muốn đơn vị khác lớn mạnh như mình, hoặc hơn mình.

Được biết, tại Gia Lai đã có 7 mô hình liên kết doanh nghiệp được đề xuất thành lập gồm: 3 mô hình liên quan đến sản phẩm cà phê (hiệp hội chế biến cà phê bột, hiệp hội cà phê xuất khẩu, hiệp hội cà phê), hiệp hội các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, hội các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, hiệp hội chăn nuôi heo và hiệp hội thương mại dịch vụ. Trong số này, một số mô hình đã thành lập, nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ ràng, chưa đạt kết quả như mong muốn. Riêng mô hình hiệp hội chăn nuôi heo, tuy đã xúc tiến làm các thủ tục và vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tham gia, nhưng vì chưa tìm được tiếng nói chung nên hiện đã “đứt gánh”. Còn hiệp hội thương mại dịch vụ dù đề xuất đã lâu nhưng tới nay vẫn chưa được hình thành.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, ngoại trừ những doanh nghiệp đã thực sự lớn mạnh, phát triển ổn định thì những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ (là loại hình chiếm 97-98% tổng số doanh nghiệp ở Gia Lai) cần phải liên kết với nhau, đoàn kết để tăng nguồn lực. Khi liên kết phải xác định rõ mục đích liên kết là để thực thi chiến lược đã lựa chọn, từ đó xác định đối tác liên kết, loại hình liên kết, nguyên tắc chia sẻ nguồn lực, phân chia lợi ích. Để liên kết hiệu quả, các doanh nghiệp nhất định phải tăng cường các hình thức liên kết kinh doanh mang tính chiều sâu và có chất lượng, gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đã ở trong tập thể thì không nên “dung túng” cho biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân với suy nghĩ: “Dại gì... chia sẻ”!

Có thể bạn quan tâm