Thời sự - Bình luận

Đừng để lương hưu quá thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Từ ngày 1-7, theo Nghị định 42/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ), quân nhân, công an nhân dân, cán bộ xã, phường, thị trấn… nghỉ hưu và hưởng trợ cấp hằng tháng được tăng 12,5% - 20,8% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Với điều chỉnh này, khoảng 3,4 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, gồm 1,062 triệu người do ngân sách chi trả và 2,361 triệu người từ BHXH.

Đây là một thông tin khá vui cho người thụ hưởng, bởi lâu nay mặt bằng tiền lương hưu và trợ cấp của người thụ hưởng đang khá thấp, có trường hợp rất thấp. Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2022, trung bình mỗi năm có thêm 109.000 người nhận lương hưu. Ngoài tiền hưu trí, NLĐ sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh. Đến hết tháng 5-2023, cả nước có hơn 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH. Khoảng 1,9 triệu người, chiếm gần 70% người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH, có mức lương 3-7 triệu đồng/tháng, gấp 1,5 - 3,5 chuẩn nghèo thành thị và bằng 64% -149% lương tối thiểu dành cho NLĐ làm việc trong doanh nghiệp ở đô thị (vùng 1 - 4.680.000 đồng/tháng). Ngược lại, thống kê đến tháng 6-2022 cho biết cả nước có hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới mức chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng).

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng. Cần hiểu rằng khoản lương hưu không cố định tại thời điểm NLĐ nghỉ hưu mà định kỳ tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tình hình kinh tế. Tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và tiền lương tính đóng BHXH. Năm 2022, tiền lương tính đóng BHXH bình quân toàn hệ thống là 5,73 triệu đồng, bằng 76% thu nhập trung bình của NLĐ làm công hưởng lương. Tiền lương đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu khiến lương hưu rất thấp. Ví dụ, doanh nghiệp trả cho NLĐ 20 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 5 triệu đồng. Nếu đóng đủ năm và nghỉ hưu đúng tuổi, NLĐ khi nghỉ hưu chỉ được hưởng tối thiểu 45% và tối đa 75% bình quân toàn bộ quá trình đóng.

Vậy làm gì để lương hưu cao hơn, đủ để người hưu trí đắp đổi chi tiêu cuộc sống? Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Điều này gây thiệt cho NLĐ bởi quá trình làm việc các khoản trên đều thay đổi. Phương án 2: Tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ Luật Lao động. Theo cách này, tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của NLĐ, nền tiền lương đóng BHXH của NLĐ sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Khảo sát của Chương trình Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Do đó, sửa đổi Luật BHXH để có nhiều người được hưởng chế độ hưu trí và lương hưu phải đủ sống là việc cần làm, để bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và người hưu trí được sống an nhàn đúng nghĩa.

Có thể bạn quan tâm