Đừng để thần tượng sụp đổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 3 tháng sau “kỳ tích Thường Châu”, các tuyển thủ U23 Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút sự quan tâm của dư luận. Gần như mọi đường đi nước bước của họ đều trở thành đề tài “hot” để báo chí khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người hâm mộ. Trong số này, dĩ nhiên, thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Nguyễn Quang Hải-2 ngôi sao sáng nhất của U23 Việt Nam-là tâm điểm của mọi sự chú ý. Chỉ có điều, những thông tin đáng chú ý nhất về 2 ngôi sao này lại không đến từ sân bóng mà là ở bên ngoài với những cuộc “chạy show” sự kiện, tham gia trình diễn thời trang hay đóng quảng cáo.
 

Ảnh internet

Chuyện cầu thủ bóng đá tham gia trình diễn thời trang, đóng quảng cáo hay chạy show sự kiện thực ra không có gì mới, đặc biệt là ở nước ngoài. Ngay ở Việt Nam, dù số lượng cầu thủ tham gia các hoạt động này còn khá ít nhưng đây cũng không phải là điều lạ lẫm. Khoảng 20 năm trước, thời còn ở đỉnh cao phong độ, Hồng Sơn, Huỳnh Đức đều từng được những thương hiệu nổi tiếng mời đóng quảng cáo. Sau đó một thời gian, đến lượt Văn Quyến, Công Vinh rồi gần đây là Công Phượng, Xuân Trường được các nhãn hàng “chọn mặt gửi vàng”.

Vậy tại sao một bộ phận người hâm mộ bóng đá nước ta lại phải tỏ ra lo lắng khi chứng kiến những cầu thủ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải chạy show ngoài sân cỏ? Câu trả lời một phần nằm ở chính những tấm gương nhãn tiền của bóng đá Việt Nam, điển hình là trường hợp Văn Quyến. Được coi là một trong những tài năng lớn nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra, tuy nhiên, việc sa đà vào những hoạt động, mối quan hệ ngoài bóng đá từ khi còn quá trẻ đã khiến sự nghiệp của tiền đạo người Nghệ An này kết thúc một cách không thể thảm hại hơn. Cho đến tận bây giờ, bên cạnh sự nuối tiếc rất lớn dành cho một tài năng vừa chớm nở đã lụi tàn, người ta vẫn lấy Văn Quyến ra để làm bài học cho các cầu thủ trẻ nhằm giúp họ tránh xa những cạm bẫy bên ngoài sân cỏ.

Không ai nghĩ sẽ có cầu thủ nào của lứa U23 Việt Nam hiện nay rơi vào “bi kịch” Văn Quyến song sự lo lắng cho tương lai của họ là điều không phải vô lý. Trở về từ Thường Châu với ánh hào quang rực rỡ, người hâm mộ nước ta đều kỳ vọng lứa U23 này sẽ tiếp tục phát triển tài năng hơn nữa để sớm trở thành những trụ cột đưa bóng đá nước nhà bước lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, trải qua 6 vòng đấu đầu tiên ở V-League 2018, ngoại trừ một số gương mặt giữ được phong độ khá tốt như Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Chinh…, hầu hết các cầu thủ còn lại đều có dấu hiệu sa sút. Trong số này, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Quang Hải có lẽ gây thất vọng nhất khi vị trí thường xuyên của họ ở câu lạc bộ là băng ghế dự bị. Dẫn đến điều này một phần là do họ bị ảnh hưởng bởi những hoạt động bên ngoài sân cỏ suốt thời gian qua.

Việc cầu thủ tham gia các hoạt động xã hội, thương mại là điều tất yếu của một nền bóng đá chuyên nghiệp. Nó không chỉ tạo cơ hội cho các cầu thủ có thêm trải nghiệm mới mẻ, khám phá những khả năng khác của bản thân mà còn giúp họ và cả câu lạc bộ chủ quản, đội tuyển quốc gia có thêm nguồn thu nhập. Và bởi không phải cầu thủ nào cũng đủ sức hút để trở thành khách mời sự kiện, gương mặt quảng cáo nên những ngôi sao bóng đá luôn phải tận dụng tối đa quãng thời gian mà họ còn độ “hot” để chạy show kiếm tiền. Thế nhưng, một khi mải kiếm tiền bằng các hoạt động ngoài bóng đá mà bỏ quên việc rèn luyện chuyên môn, họ có nguy cơ đánh mất tất cả. Bởi lẽ, khi phong độ sa sút, sức hút giảm, chắc chắn không ai bỏ tiền mời họ tham dự sự kiện, đóng quảng cáo.

Trong năm 2018 và 2019, bóng đá Việt Nam sẽ tham dự hàng loạt giải đấu lớn, gồm: ASIAD, AFF Suzuki Cup, ASIAN Cup. Người hâm mộ nước nhà đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những gương mặt tài năng của lứa U23 tại các giải đấu này. Nếu duy trì được phong độ, giành thành tích cao, chắc chắn họ sẽ tiếp tục là thần tượng, là những “cầu thủ quốc dân” như cách gọi yêu mến của người hâm mộ cả nước. Ngược lại, họ sẽ có nguy cơ đánh mất tất cả. Bởi đơn giản, không ai thần tượng kẻ thất bại.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm