Thời sự - Bình luận

Đừng để tiền đi lạc như dê bò

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Năm 2012, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự khẳng định dự án 1.700 tỉ Thép Vạn Lợi: “không vấn đề gì". Nó đắp chiếu suốt từ đó như một biểu hiện cho việc đồng tiền cũng... đi lạc
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng- vừa gần như van xin: Các doanh nghiệp nhà nước ngừng than vãn và ngừng  xin tiền.
Khung cảnh hoang tàn như bãi tha ma này là dự án thép Vạn Lợi, một đại dự án ngàn tỉ sau đúng 13 năm đắp chiếu.
Ngàn tỉ là bao nhiêu? Là 1.000 tỉ trên tổng mức đầu tư dự kiến 1.700 tỉ đã được ném vào đây, với nguồn tiền, chủ yếu vay ngân hàng.
Dùng chữ “ném” hay “đốt” không mảy may sai.
Bởi từ 2010, Thép Vạn Lợi đã “chết yểu”. Vì ném thế ném nữa vẫn “thiếu vốn”. Quặng sắt chất đống như núi. Máy móc như sắt rỉ.
Đến cuối năm 2018, do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên định giá toàn bộ tài sản để trả lại tiền cho các ngân hàng. Toàn bộ tài sản sau đó được bán với giá 205 tỉ đồng.
Cho vay ngàn tỉ, thu lại vỏn vẹn 200 tỉ, Công an Hà Tĩnh khởi tố hình sự một vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng là hoàn toàn chính xác.
Nhưng đống sắt Vạn Lợi chỉ là một hình thức khác của câu chuyện “bò dê đi lạc”, dù lắt léo, dù khó thấy hơn rất nhiều.
Mấy hôm nay, liên quan đến việc chia gói bánh 250.000 tỉ cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 có hai ý kiến rất đáng để suy nghĩ.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng- nói rằng: Các doanh nghiệp nhà nước ngừng than vãn và ngừng xin tiền.
Còn TS Bùi Trinh thì cho rằng tiền “không nên đổ vốn vào nơi thâm dụng, khiến bản đồ nền kinh tế méo mó”.
Nỗi “thất vọng” trước đề nghị cho các tập đoàn Nhà nước tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất 0%- của ông Bùi Trinh là có cơ sở thực tiễn.
Bởi doanh nghiệp nhà nước lợi thế vô biên về nguồn lực tài nguyên và tiếp cận vốn, nhưng lại là khu vực sử dụng vốn kém nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
Năm 2010: tỷ lệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu của khu vực này là 3/1. Tỷ lệ nợ này năm 2018 đã lên đến 4/1. Một tỉ lệ mà TS Bùi Trinh bình luận là “rất sợ hãi”.
Bất kỳ cam kết nào cũng đều là tiền của dân. Nếu tiền hỗ trợ đi sai chỗ thì chính người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của COVID-19 lại phải gánh nợ cho các ông lớn".
Trong câu chuyện đống sắt Vạn Lợi, miếng bánh nguồn vốn đã bị “đi lạc”, vừa gây ra hậu quả mất vốn, vừa chỉ để lại một dự án sắt vụn đắp chiếu suốt 13 năm, vừa làm mất phần nguồn lực vốn của các doanh nghiệp khác.
Và gói 250.000 tỉ lần này cũng vậy. Miếng bánh là  hữu hạn, vì thế, phân chia thế nào không chỉ là bài toán tính đếm để đạt hiệu quả cao nhất, mà còn là chuyện công bằng, như cách mà COVID-19 “rất công bằng trong việc gây tác động”.
ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm