Thời sự - Bình luận

Dừng mua điện, buộc tháo dỡ công trình trái phép ở Lâm Đồng - cú 'trảm ngang lưng' cần thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề liên quan đến lắp đặt, ký kết hợp tác đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trái phép. Buộc tháo dỡ công trình vi phạm, dừng mua điện đối với các trường hợp vi phạm đầu tư, trật tự xây dựng...
Một dự án điện mặt trời ở Lâm Đồng trước đây đã bị yêu cầu tháo dỡ, di dời toàn bộ hạng mục sai phép, không phép. Ảnh: laodong.vn
Một dự án điện mặt trời ở Lâm Đồng trước đây đã bị yêu cầu tháo dỡ, di dời toàn bộ hạng mục sai phép, không phép. Ảnh: laodong.vn

Đây là biện pháp xử lý sai phạm cứng rắn, quyết liệt, hiếm thấy từ chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Quyết định như "cú trảm ngang lưng" doanh nghiệp lần này sẽ khiến các nhà đầu tư khốn đốn. Nhưng đó là cái giá họ phải trả của việc làm ẩu, đứng trên pháp luật.

Việc ồ ạt đầu tư xây dựng trái phép hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái không chỉ diễn ra tại các khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội, Lâm Đồng, mà có nhiều hơn hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai theo kiểu "cầm đèn chạy trước ôtô" ở khắp các địa phương miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.

Doanh nghiệp cứ đầu tư trước, hợp thức hóa hồ sơ, giấy phép sau. Việc điện lực xin hợp thức hóa sai phạm của các dự án điện mặt trời ở đây là minh chứng. Nhưng lần này thì chính quyền Lâm Đồng đã dứt khoát nói không.

Việc đầu tư, xây dựng các công trình điện mặt trời áp mái làm rối loạn trật tự xây dựng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định. Hậu quả không chỉ quá tải lưới điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ cháy nổ và ô nhiễm môi trường... Rộng hơn là phá quy hoạch sử dụng đất, làm vỡ quy hoạch điện.

Với Đà Lạt, Lâm Đồng thì những hậu quả của việc xây dựng, trái phép, phá vỡ quy hoạch nói chung, đã hiển hiện rất rõ. Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, khắp các địa phương đều xảy ra sai phạm về việc phân lô, bán nền, tự làm đường giao thông để chào bán bất động sản... Nhiều cán bộ công chức đã lâm vào lao lý vì những sai phạm này, nhưng thiên nhiên, môi trường thì không dễ gì khắc phục được.

Chính vì buông lỏng quản lý, để xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch nên các đô thị ở Lâm Đồng bị bê tông hóa nhanh. Khu vực nông thôn cũng không còn chỗ cho nước thấm, thoát. Nhiều sông hồ bị san lấp, ngăn chặn, lấn dòng. Đất sản xuất nông nghiệp bị bọc kín bởi nhà kính... Đó là nguyên nhân khiến thành phố trên cao nguyên như Đà Lạt lại liên tục bị ngập úng, lũ lụt chỉ sau một trận mưa lớn.

Sạt lở, trôi nhà, vùi lấp gây thiệt hại về người thời gian gần đây là những tổn thất trước mắt, nhưng hậu quả lớn hơn cho xứ ngàn thông là sẽ mất đi môi trường sinh thái, khí hậu ôn hòa riêng có của Việt Nam.

Mất môi trường sinh thái, nhạt phai văn hóa thì thương hiệu du lịch Đà Lạt sẽ xuống cấp, kinh tế sẽ lao dốc. Vì vậy, quyết định buộc tháo dỡ công trình điện trái phép, dừng mua điện của UBND tỉnh Lâm Đồng là quyết liệt đến sắc lạnh, nhưng hết sức cần thiết.

Chính quyền Lâm Đồng đang liên tiếp ra nhiều quyết định cứng rắn để xử lý sai phạm trong trật tự xây dựng tương tự việc xử lý công trình điện trái phép này. Hy vọng với những quyết tâm "sửa sai" đó, Lâm Đồng sẽ sớm lấy lại màu xanh của ngàn thông, của thương hiệu du lịch xứ lạnh Đà Lạt, vốn đã mất cả trăm năm xây dựng.

Những hành động quyết liệt đó mới diễn ra ở Đà Lạt, Lâm Đồng, còn hàng trăm công trình điện mặt trời áp mái vi phạm, công trình xây dựng trái phép ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên... vừa kiểm tra, phát hiện thì vẫn chưa thấy động thái xử lý nào mạnh mẽ. Đừng "âm thầm" hợp thức hóa sai phạm, để rồi khi sự cố, tai họa ập đến thì trở tay không kịp.

Có thể bạn quan tâm