Thời sự - Bình luận

Ðừng nghĩ "ai rồi cũng nhiễm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 6,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 41 nghìn trường hợp tử vong.
 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: REUTERS)
Ảnh minh họa. (Ảnh: REUTERS)


Dịch vẫn đang tiếp tục gia tăng ở mức rất cao với trung bình gần 163 nghìn ca/ngày (trong bảy ngày qua), chỉ tính trong khoảng một tháng trở lại đây (từ 13/2 đến 13/3), số ca mắc tăng từ 2,51 triệu lên hơn 6,1 triệu ca. Tuy số mắc tăng rất cao nhưng chủ yếu là các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình và được điều trị, cách ly tại nhà; tỷ lệ người chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá, dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Số mắc tăng cao, trong khi số ca nặng và tử vong giảm xuống mức thấp, cho nên đâu đó đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí nhiều người cho rằng "ai rồi cũng nhiễm". Nhưng theo các chuyên gia, quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm, bởi sẽ góp phần làm số ca mắc càng tăng cao và kéo theo nguy cơ gia tăng số bệnh nhân nặng, tử vong, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Có khoảng 95 đến 97% số ca mắc Covid-19 hiện nay là thể nhẹ, nhưng tỷ lệ 3 đến 5% còn lại vẫn là khá nhiều, bởi tổng số ca nhiễm là rất lớn. Thực tế cho thấy vẫn còn khoảng 4.000 người bệnh nặng đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Ðáng lưu ý, những người khỏe khi nhiễm Covid-19 và trở thành nguồn lây cho những người yếu thế (người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai) thì sẽ nguy hiểm vì đây đều là đối tượng nguy cơ gây bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc Covid-19, để hạn chế đến mức thấp nhất trở thành nguồn lây cho những người chung quanh.

Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý rằng đã tiêm đủ liều vaccine thì bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Nhưng đây cũng là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. vaccine giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng nhưng nó không hoàn toàn chống lại được virus SARS-CoV-2.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang dịch và "bệnh lưu hành". Tỷ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, trong khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới. Cho nên, vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nguyên tắc phòng, chống dịch của Việt Nam hiện nay chưa có sự thay đổi, đó là "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân". Như vậy, bên cạnh các biện pháp chuyên môn, như tăng độ phủ của vaccine, nâng cao năng lực điều trị để kéo giảm ca chuyển nặng và tử vong… thì người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, không lơ là trong phòng, chống dịch. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người đều cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều...

Thực hiện đúng tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các địa phương cần thường xuyên cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn, từ đó xây dựng phương án phù hợp cho từng loại hình hoạt động, từ sản xuất, kinh doanh đến du lịch, dạy và học, lễ hội...

Theo TRUNG HIẾU (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm