Thời sự - Bình luận

Đừng phiên 'trình độ' thành 'chứng chỉ'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cuối cùng, sau gần 30 năm tồn tại và mấy năm liên tiếp tốn không biết bao nhiêu  giấy mực và lời hứa, quy định về chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, cũng sắp đi đến hồi kết, với việc Bộ Nội vụ đã chính thức có văn bản gửi Thủ tướng.

Theo đó, quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức, được đề nghị bãi bỏ, cả khi tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng. Việc này sẽ giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho hàng triệu công chức, viên chức, mà đương nhiên cũng không làm sứt mẻ li lai nào trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ này.

Và (hy vọng), chưa dừng lại ở đây, sẽ còn những chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng với công chức, viên chức được đề nghị bãi bỏ thêm (đã có 87 loại được Bộ Nội vụ đề nghị), để chấm dứt vấn nạn lãng phí nguồn lực xã hội vào việc đối phó với quy định.

Yêu cầu “chuẩn hóa”, nâng cao trình độ công chức, viên chức là một yêu cầu thực tiễn và tuyệt đối đúng. Nó chỉ sai khi được phiên từ “trình độ” sang chứng chỉ, và còn được phiên một cách tùy tiện, cào bằng. Thế mới dẫn đến những cảnh trái ngang như cô giáo mầm non cũng phải bỏ ra vài triệu đồng “học” cho được cái chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mới đủ tiêu chuẩn làm cô giáo, dù cô chẳng cần dùng gì đến mấy từ tiếng Anh và kỹ năng tin học văn phòng sứt mẻ (do học vội) đó để chăm lo cho các cháu nhỏ. Hay một người đã đi du học về, thạc sĩ đàng hoàng, vẫn phải đi kiếm cái chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A. Một anh khác, tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa hẳn hoi, ngày nào cũng gõ máy tính nhoay nhoáy, phỏng vấn các chuyên gia quốc tế thường xuyên, vẫn phải đi thi lấy cả chứng chỉ tin học văn phòng và tiếng Anh trình độ cơ bản.

“Chúng ta phải tự hỏi chứng chỉ đó có ý nghĩa với chúng ta hay không rồi hãy quy định cho người khác”, câu chất vấn này của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đã được người viết trích dẫn nhiều lần để minh chứng cho việc những người bị phiền hà bởi chứng chỉ không phải là các “công chức”, “viên chức” ở đâu đó, mà còn là chính những người làm chính sách, những vụ trưởng pháp chế ở bộ nọ, ngành kia. Họ cũng ở trong hệ thống, cũng phải nộp đủ chứng chỉ mới mong bổ nhiệm, nâng ngạch. Vậy thì họ phải xơ cứng đến mức nào, mới để thúc lên giục xuống vẫn không sửa đổi nổi quy định?

Năm 2019, trả lời chất vấn trước Quốc hội, chính ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, cũng phải nói rằng bản thân ông “cảm thấy rất phiền hà về các loại văn bằng, chứng chỉ” - thứ đã có quy định từ năm 1993 và không phải do Bộ Nội vụ “đẻ” ra (Bộ mới được thành lập năm 2004). Ông nhận khuyết điểm vì để một vấn đề tồn tại đến hai mươi mấy năm mà không sửa. Lời hứa đó của Bộ trưởng, cũng mất đến hơn 2 năm với hàng vạn người vẫn phải quay quắt vì chứng chỉ, mới sắp đến đích.

Thôi thì, sức bỏ ra cũng đã bỏ ra, tiền đổ vào cũng đã đổ vào, chỉ mong quy định bắt buộc với các chứng chỉ lỗi thời không “thọ” đến 30 tuổi. Từ 1993 đến nay, cũng là quá lâu rồi.

Theo VŨ HÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm