(GLO)- 2 người phụ nữ này miệt mài kiếm sống ở đây, bên hồ Sương Mai. Họ bám trụ hàng ngày. Chỗ họ bám lấy là phần mộ của một cặp đôi chết từ quá 60 năm trước. Đó là đồi thông hai mộ.
Khi gọi đây là “Đồi thông hai mộ” hẳn phải chấp nhận làm tổn thương đến bao mộ phần nằm chung xung quanh đây, những phận người khác. Vì số phận nào cũng bình đẳng ở dương gian, khi mà có cả một nghĩa địa ở nơi này mà. Hàng ngày 2 người phụ nữ lau chùi phần mộ liền lạc được gọi “mệnh chung” của cặp đôi xấu số, lau chùi chỉnh chu, kỹ đến độ bụi cũng không kịp đậu lại lâu, trong khi quanh đấy rất nhiều ngôi mộ nữa nhưng họ không làm gì cả, để mặc cỏ bụi, đổ nát, hoang tàn. Họ còn trồng hoa lên khu mộ đôi và hàng ngày luôn sắm hoa tươi để bên cạnh 2 tấm bia đó. Phần mộ còn được lát gạch ở phía trước cho tươm tất và du khách dễ chiêm vọng, vái lạy.
Nói chung, họ xem mình như là chủ sở hữu phần mộ đôi này, nó thuộc về họ.
Một trong 2 người phụ nữ mưu sinh ở khu mộ đôi. Ảnh: N.H.T |
*
Hồ Than Thở quá nổi tiếng nhờ có 2 phần mộ này và nó càng quá nổi tiếng nhờ bài hát “Đồi thông hai mộ” của nhạc sĩ Hồng Vân. Tôi cũng yêu quý tình yêu trong sáng, lụy tình, quá đẹp của cặp đôi kia. Nhưng tôi không cho phép mình lụy vào cái nội dung mượt mộng dựng lên trong bài hát hay kia mà ở đó nhiều cái khôngđđúng sự thật, nói cách khác là nó quá khác xa cái nội dung bản chất, nó chỉ có ít phần đúng và lắm phần… không đúng mà người nào ở Đà Lạt cũng đều biết.
2 người phụ nữ này không quen biết nhau; họ tình cờ gặp nhau bên khu mộ này khi tìm đến đây kiếm sống. Họ rất nghèo và luôn giấu thân phận của mình. Dân tình quanh hồ Sương Mai xưa (mà nay định danh thành hồ Than Thở) chỉ biết 2 người họ một người bị chồng bỏ, từ dưới huyện Lâm Hà lên. Còn người kia là dân nghèo ngoại ô ở khu dân cư Nam Hồ nơi ngọn đồi tít bên kia hồ Than Thở lội sang. Một chị hàng ngày cuốc bộ đến đây. Còn chị kia thì thường dắt theo chiếc xe đạp cọc cạch. Nghĩa là họ không có đất đai, vườn lơ-ghim hay hoa, nghề nghiệp, và một gia đình đủ đầy hạnh phúc. Cả hai vô sản.
Họ “chăm chui” phần mộ này chứ đơn vị quản lý cánh rừng không trao cho họ cái quyền đó. Họ lặng lẽ bên khu mộ. Ngày trời nắng thấy họ rất lẻ loi, chói bóng giữa mênh mông thông xanh và mồ mả. Và chao ôi, những ngày phố núi sa mù, mưa lâm râm, nhất là khi chiều tà, nhìn buồn gì đâu mà buồn, não nề hoang lạnh. Nó buồn kiểu vực thẳm, như lời và giai điệu trong bài hát kia: “Một chiều rừng, gió lộng một chiều rừng, nhớ chuyện bên đồi thông/…Nàng thơ thẩn…, chẳng cần trang điểm, để phai úa đến tàn cả hương sắc…” (1).
Họ thui thủi kiếm ăn. Mà nghĩ ra được cách kiếm ăn, “môi trường” kiếm ăn kiểu này cũng là khác thường, ngoại hạng rồi. Họ kiếm sống bằng cách, khi có ai bước vào cánh rừng buồn này họ sẽ thuyết giảng, giới thiệu huyên thuyên về cuộc tình và lai lịch của cặp đôi đoản mệnh. Họ học thuộc làu như trẻ thơ phần nội dung cóp nhặt qua loa trúng-trật không trọn và một ngàn lần vẫn kể đúng chừng ấy chữ, không thiếu chữ nào. Nhiều đoàn du khách nghe say sưa. Nhưng cũng lắm đoàn muốn cười lộn ruột. Sinh kế của họ là 2 nấm mồ và họ sẽ bán nhang cho ai cần thắp cho đôi nam nữ đã khuất. Và họ cũng bán những gói trà Atisô, mứt dâu đặc sản Đà Lạt cho ai vừa được nghe họ kể để kiếm lời. Tám giờ rưỡi sáng hàng ngày họ có mặt và rời khỏi đây vào độ bốn rưỡi chiều. Họ gói theo cơm để ăn và ngủ trưa bên cạnh khu mộ kia, trên mấy chiếc ghế salon thủng nát ai đó mang ra vứt bỏ ở đồi thông này.
*
Dưới bóng mưu sinh của họ là một cuộc tình đẹp ở Đà Lạt trong quá khứ. Đó là cuộc tình của một cô gái tên Thảo và một chàng trai đến từ xứ Nam bộ tên Tâm. Thảo là giáo viên Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt và Tâm là học viên sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt sang cả (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Lúc yêu nhau họ hay hẹn hò ở hồ Sương Mai và hẹn ước sẽ cưới nhau, nhưng sau đó Tâm vì gia đình ép uổng phải về cưới một cô gái khác ở quê nhà. Thảo đã tự tử bên hồ Sương Mai vì nghĩ người yêu bội ước. Tâm không yêu người vợ mà cha mẹ cưới cho, vì lòng anh chỉ có mỗi Thảo. Khi Thảo tự tử, Tâm quay lại Đà Lạt và ra bên mộ người yêu tâm nguyện: “Nếu không chung được một mái nhà thì chết nhất định chung một nấm mồ!”.
Sau đấy Tâm lao theo chiến tranh để nhanh phai phôi nỗi niềm riêng và lúc bị trọng thương anh đã bày tỏ với đồng đội ý nguyện trên. Đó là cuộc tình xót xa vang lừng. Hồ Sương Mai đã được thi ca hóa, lịch sử hóa, đổi tên thành hồ “Than Thở” từ sau cái chết trong cùng một năm của đôi thanh xuân. Nay khu mộ đôi dưới kia chỉ còn tro xác của Thảo chứ phần tro xác Tâm thì sau 1975 gia đình anh ở Vĩnh Long đã lên bốc đưa về bản quán dưới kia. Nghĩa là nơi đây, giờ chỉ còn phần mộ thật sự của Thảo, còn phần mộ phía bên Tâm là rỗng. “Rỗng” nhưng không có nghĩa là hết thiêng, hết thi vị.
*
Cuộc tình của đôi nam nữ thuở nào đã cho họ, 2 người phụ nữ nghèo cuộc sống, cơm áo. Chắc hẳn họ không hề muốn ngày xưa có 2 cái chết trẻ đau lòng đó, sự xuất hiện của đôi mộ này. Nhưng giờ kiếm sống được trên dư ba cuộc tình đó thì kiếm sống cái đã. Mỗi ngày họ kiếm được từ 30 ngànđđồng đến 250 ngàn đồng tiền bán nhang, bán Atisô và tiền boa cho việc “thuyết minh”. Không biết do quá nghèo hay do nỗi buồn của cuộc tình kia mà nét mặt của họ bao giờ cũng trông lỏng chùng, não nùng lắm. Kiếm được tiền ở đấy mà chưa khi nào tôi thấy họ cười. Họ làm “hướng dẫn viên” cho một khu mộ mà cứ như kẻ “ăn trộm” một cuộc tình. Nói điều này bởi, họ luôn sợ bị “phát hiện”, bị bắt, dù không biết ai sẽ bắt, mà chắc chẳng ai lại đi bắt một hành vi, sự kiếm ăn dễ thương, dễ ghét, vô tiền khoáng hậu này của họ cả đâu. Bao năm qua, tôi hay la cà hồ Sương Mai/Than Thở đó. Và cứ ghé đây là nhìn vào chỗ họ, xem họ còn ở đó không.
2 người phụ nữ đang hàng ngày “PR” cho một cuộc tình tro bụi và quảng cáo một sản phẩm bên lề của du lịch Đà Lạt. Không biết họ có cảm ơn bài hát kia, cảm ơn ông nhạc sĩ tạo ra bài hát hay hương hồn quá vãng của đôi nam nữ với tình yêu huyền mỹ đó không. Cho họ kiếm chút cơm áo mỗi ngày vậy, để đi nốt một kiếp người. Và những hương hồn bao phần mộ sầu xung quanh cũng đừng vì thế mà hẹp hòi, so bì, vì phần đôi mộ kia thậm dày oan trái và đã lỡ vang danh. Sự xuất hiện của 2 thực thể sống này suốt hai mươi năm nay thì cũng có khác chi thứ hơi thở: “Đời hợp tan như mây kia gặp gió” (2).
Nguyễn Hàng Tình