Những va đập ấm nóng từ diễn biến li ti bất tận của dòng sông cuộc sống đã chảy trôi thấm thía qua trực giác thật xanh, thật ấm, thật tình của Thùy Anh. Truyện của Thùy Anh, vì thế, không vụ lợi, không cố mua chuộc thiện cảm của độc giả...
Bìa truyện ngắn Xanh của Chu Thùy Anh. |
Trong những ngày Hội sách Mùa thu ở Hà Nội, ngày 11-9, khán giả sẽ cùng giao lưu, gặp gỡ với tác giả, Tiến sĩ vật lý Chu Thùy Anh và tác phẩm Xanh.
Sinh năm 1985 tại Hà Nội, Chu Thùy Anh không học văn chương mà là một Tiến sĩ Vật lý nhưng nghiệp viết lách đã cuốn hút và đem lại cho cây bút trẻ này đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc chú ý.
Năm 2013, Thùy Anh được trao giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2011 -2013); năm 2015, cô tiếp tục xuất bản truyện ngắn Vé một chiều, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2015 và tuyển tập truyện ngắn Xanh là thành quả lao động sáng tác của cô có được trong năm 2016.
Tập truyện gồm 18 truyện ngắn: Cờ, Bạn bè, Gói bánh, Mèo mướp, Tất niên, Ngồi trước biển và ăn pizza, Đi, Trà của Mẹ, Cát, Ngủ trưa, Về nhà, Sinh nhật, Xuân, Nhà màu xanh, Chẳng hẳn là chuyện tình, Tuổi trẻ, Hàng xóm, Xanh. Chu Thùy Anh từng có nhiều năm du học tại Pháp, vì vậy, một số truyện trong tập truyện ngắn này có cảm hứng từ giai đoạn này và giọng văn của tác giả cũng có hơi hướng xa xăm của văn học Pháp.
Nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã bình luận về tác phẩm này như sau: “Văn gọn gàng, tinh tế, đậm chất triết lý, Chu Thùy Anh luôn có ý tưởng lạ với những ngôn dụ, ẩn dụ; có duyên với phong cách hài hước, nhẹ nhàng, kín đáo. Chu Thùy Anh muốn - và nhiều khi đã làm được - là bạn đọc phải cộng sinh cùng những trang viết của mình”.
Còn nhà phê bình văn học, nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì nhấn mạnh: "Tin tôi đi, bạn đọc thân mến, hãy tự tay mình mở Xanh mà đọc truyện ngắn nhẹ mà thấm, của Chu Thùy Anh, ngay trong những ngày mưa bão đầy trời Hà Nội, đặng tìm sự bình yên, êm ả trong chính cõi lòng mình".
Theo bà Minh Thái thì Thùy Anh đã tự chọn cho mình cách viết riêng, trong giọng kể riêng, của một người viết trẻ không hoàn toàn ý thức rằng mình cần phải thành nhà văn. Cái riêng này, vì thế, không cố làm điệu, thậm chí không hề được tạo lập theo cách của nhà văn chuyên nghiệp.
Thùy Anh tự tìm cách nghe ngóng, thẩm định và lắng lòng chân thật, để cuộc sống cứ từ từ chạm khẽ và lên hương, trong trực giác tươi tắn và bén nhạy của mình; rồi từ đấy, buộc chính mình phải có nhu cầu viết, không thể trì hoãn, để kể lại cho chính mình trước hết, về những va đập ấm nóng từ diễn biến li ti xanh bất tận của dòng sông xanh đời sống, bao giờ cũng ào ạt và dào dạt cuộn chảy xung quanh. Và chính dòng sông đời sống ấy đã chảy trôi thấm thía qua trực giác thật xanh, thật ấm, thật tình của Thùy Anh. Truyện của Thùy Anh, vì thế, không vụ lợi, không cố mua chuộc thiện cảm của độc giả...
Theo sggp