Bạn đọc

Game online: Trò chơi ảo, nỗi đau thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không ít những ông bố, bà mẹ khốn khổ, đứng ngồi không yên, ăn, ngủ hay đi làm vẫn phải canh cánh trong lòng nỗi lo bởi con nghiện chơi game trên internet- thứ giải trí gắn liền với sản phẩm của cuộc sống hiện đại. Trò giải trí ấy, tuy không tốn kém phút chốc như cờ bạc hay giết người ngắn ngủi như ma túy song khả năng “sát thương” của loại game này so với cờ bạc, ma túy thì chưa biết “mèo nào thắng mỉu nào” khi đã và đang có ngày càng nhiều đứa trẻ ngoan biến thành hư, thậm chí gây ra tội tày đình chỉ vì nghiện game internet.

Trò giải trí game trên internet- khi đã nghiện, giết người âm thầm và nghiệt ngã vô cùng… Có thể ví, game online giống như một con virus nguy hiểm, rình mò tấn công bất cứ ai, nhất là những cô nàng, cậu chàng nhỏ tuổi hay mới lớn- nhóm “nguy cơ cao” nhất dễ dàng vướng lưới game vây bủa.

L.- con của một quan chức có vai vế một thời ở huyện nọ. Lực học khá, ngoan ngoãn, bố lại làm trong ngành giáo dục, cuộc đời tương lai cậu như trải trước mắt. Chỉ cần L. ngoan ngoãn học hành, có được tấm bằng cấp III rồi sẽ thu xếp cho cậu một “vé” đi học chuyên nghiệp. Cuộc sống những tưởng cứ thế trôi đi, nhẹ nhàng và “đâu vào đó” như một guồng máy đã được lập trình sẵn, nhưng tất cả đều chợt vỡ tan như bong bóng xà phòng từ khi L. mò mẫm theo chúng bạn la cà vào quán net và nghiện game.

 

 

Ban đầu thì chỉ là những chiêu “hô biến” tiền ăn sáng, tiền xin mua sách vở, đồ dùng học tập… thành tiền xả vào quán nét. Lâu dần, bố mẹ sinh nghi và cũng hết luôn “cớ” để vòi tiền, cậu trở nên “cùn”: Chơi công khai. Bố mẹ L. không còn tin nổi vào mắt, vào tai mình rằng đây là thằng con vốn hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi bấy lâu nữa. L. thay đổi hẳn tính tình, lầm lỳ, không nói năng, giao tiếp với ai, suốt ngày chỉ dìm đầu vào những trò chơi thắng thua của thế giới ảo.
 

Và rồi, cái gì đến cũng đã đến, cậu rớt tốt nghiệp cấp III. Ước nguyện của đấng sinh thành chợt tắt lúm, thậm chí còn xấu hổ không biết ăn nói sao với thiên hạ khi bố mẹ đường đường làm trong ngành giáo dục, con lại… rớt tốt nghiệp cấp III.

Thi lại tốt nghiệp, phải chật vật lắm cậu mới “vượt rào” thành công. Trong khi lũ bạn ngày đêm ôn luyện cho kỳ thi Đại học, L. vẫn hồn nhiên và căng thẳng “luyện” game. Mỗi sáng, chiều khi đi làm, bố mẹ lại phải khóa trái cửa để “giam” cậu ở nhà cho chắc. Nhưng rồi, như bị con ma xui khiến, vài bữa cậu lại leo lên mái nhà, gỡ ngói chui ra tiếp tục “luyện” game. 2 lần thi Đại học không đậu, bố L. quyết cho cậu ở nhà làm rẫy cho “biết mùi đời”. Tưởng rằng, nơi vườn rẫy xa thị trấn cả dăm cây số ấy sẽ ngăn được thói nghiện game của con, ai dè… L. bỏ mặc rẫy, chạy ra thị trấn chơi.

Hết cách, bố mẹ L. đành lo cho cậu một suất đi học ở TP. Chưa nổi học kỳ, nhà trường gọi gia đình vào nhận con về vì suốt ngày nghỉ học chơi game, buộc phải cho nghỉ học. Lo sang một trường khác, vài bữa bạn lại điện về “Chú ơi! L. vẫn trốn đi chơi game, thầy cô và bạn bè nhắc nhở không được”, lại nghỉ học trường thứ 2. Biết chẳng thể thay đổi nổi cậu quý tử nghiện game ở cấp độ “giật trên cấp 12”, bố mẹ đành cho L. đi bộ đội với hy vọng môi trường quân ngũ sẽ rèn rũa, “cứu” lại thằng con trước “lưỡi hái của thần chết”- game online.

Đau lòng hơn là trường hợp của gia đình bà Đ. ở huyện C. Chỉ vì thiếu tiền “nướng’ game mà cậu con trai út của bà, khi mới 14 tuổi đã ra tay sát hại dã man một đứa bé chưa đầy 5 tuổi để “bịt đầu mối”, vì đứa nhỏ lỡ nhìn thấy cậu lấy cắp cà phê nhà mình và dọa sẽ mách với bố mẹ.

Hôm ấy, trời Tây Nguyên cuối năm hanh khô và se lạnh. Nơi xóm nhỏ heo hút cách xa trung tâm xã gần chục cây số, cả xóm chợt tá hỏa bổ nháo bổ nhào đi tìm một đứa bé gần 5 tuổi mất tích đâu tới tối đen không thấy về. Tìm hoài, tìm mãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy một đường cà phê rơi rải rác từ nhà đứa bé sang khu vườn nhà bà Đ. Nghi có chuyện chẳng lành, bố mẹ đứa bé chạy đi báo công an và sự thật nghiệt ngã được hé lộ…

T.- con bà Đ khi ấy đang là học sinh lớp 8. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mới mất vì căn bệnh ung thư chưa lâu nhưng là con út, T. vẫn được nuông chiều, tạo mọi điều kiện cho cậu ăn học đầy đủ để cậu không thua bạn kém bè. Vậy nhưng, T. chẳng lấy đó làm động lực mà suốt ngày trốn học, hết lấy cớ xin tiền lo học hành để đánh game, T. trộm tiền của mẹ và các anh chị.

 

Khi không thể kiếm được ra tiền mà tiền nợ game đã biến T. thành một “chúa Chổm tí hon”, chủ quán net dọa đánh, T. sợ quá đành làm liều, luồn vườn qua nhà hàng xóm vốn là chỗ thân tình để xúc trộm cà phê đi bán. Vừa xúc được nửa bao, đứa bé con chủ nhà phát hiện và dọa sẽ méc lại bố mẹ, T. đã ra tay giết chết đứa bé. Chưa hết dã man, do ám ảnh bởi phim ảnh “đen” trên mạng trong nhưng lần “net chiến”, cậu tò mò và… tiện thể hiếp luôn cả đứa bé sau khi giết. Gây tội ác xong, quá hoảng sợ, cậu cạy nắp hầm vệ sinh và đẩy xác đứa bé xuống… Vậy là, người mẹ khốn khổ vừa mất chồng chưa bao lâu đã lại phải đau đớn như không còn sống nổi trước tội ác của thằng con út bà đã đứt ruột sinh ra và nuôi nấng bao năm.

Không được đủ đầy như K., cũng không được nuông chiều như T., M. có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ M. chia tay nhau, mỗi người một nơi, M. ở với mẹ. Cuộc sống không đủ đầy về vật chất lại thiếu thốn về tinh thần, từ nhỏ, M. đã không thân thiết, giao lưu và kết bạn như bao đứa trẻ khác. Ở trường học cũng như ở nhà, M. lúc nào cũng một mình lẻ bóng. M. tìm đến game như một tất yếu. Internet- mà chủ yếu là game online đã trở thành một người bạn “như hình với bóng” để M. giết thời gian mỗi khi rảnh rỗi.

Và rồi, lâu dần thành nghiện. M. như một con người mắc chứng bệnh trầm cảm. Không nói, không rằng, không thích tắm rửa, sinh hoạt như một con người bình thường. Mẹ, thầy cô, bạn bè khuyên bảo vô ích. M. nhiều khi “lên cơn” nghiện quá, đi lang thang, cười nói vẩn vơ, ngơ ngẩn ngoài đường, kể cả trời nắng lẫn trời mưa.

Không biết phải làm sao, mẹ M. đem M. ra Pleiku “trả” lại thằng con cho chồng cũ. Dăm bữa đầu, được ba quan tâm sao sát, cậu có vẻ “tỉnh” trở lại. Được ít thời gian, tưởng đã êm xuôi, ba dần nơi lỏng cậu và chuyện gì đến lại đến, M. lại tiếp tục “tái nghiện” game. Không còn cách nào khác, ba M. phải xây hẳn một hệ thống tường bao nhà cửa chắc chắn chẳng kém cái lồng để “nhốt” cậu. Đồng thời, ông cũng không một chút lơi lỏng quản lý “con nghiện game”. Nhờ vậy, mà gần đây, M. đã ổn định trở lại và tới lớp bình thường.

… Không quá khi gọi game online là một sát thủ vô hình. Khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu đứa trẻ bị game online làm cho mu muội, quên học hành, đèn sách. Không những thế, khi bị nhiễm trò chơi trên thế giới ảo, nhiều em nhỏ còn tự tay hủy hoại tương lai của chính mình, gây nên nỗi đau, mất mát cho gia đình, người thân và thậm chí là những người vô tội khác. K., T. hay M. chỉ là 3 trong só rất nhiều trường hợp như thế. Để tránh trở thành nạn nhân của những trò chơi trên thế giới ảo vốn ẩn chứa nhiều hiểm họa, sự quan tâm, giáo dục đúng mức và định hướng hợp lý của gia đình và hơn hết là ý thức của mỗi em về game online, làm sao để duy trì hài hòa giữa “học mà chơi- chơi mà học” là yếu tố quan trọng để tránh những “nỗi đau thật” vì một thú vui giải trí trên “thế giới ảo”.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm