Gánh hàng những ngày cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pleiku, đã từ lâu, ít còn thấy hình ảnh những gánh hàng rong ruổi khắp các nẻo đường như ngày xưa mà thay vào đó là những gánh hàng di động, lúc được đặt ở vỉa hè này, lúc lại đứng ở góc đường có đông người qua lại. Những ngày cuối năm, hàng bán được hơn ngày thường, bởi vậy mà những người bán hàng rong, trong manh áo rét mỏng cố gắng bán muộn hơn, thức khuya hơn hầu mong cho con có thêm manh áo đẹp, cái tết của gia đình được đủ đầy hơn.  

Giữa gian truân sinh kế, hàng rong vẫn là lựa chọn của nhiều người lương thiện. Mỗi gánh hàng là một câu chuyện nhưng tất cả đều gặp nhau ở điểm chung: không quản vất vả để vun vén cho gia đình, cho giấc mơ đèn sách của con trẻ. Tôi gặp cô Tuyết giữa cái lạnh “ráng” một ngày cuối năm bên chiếc xe đạp chất đầy chuối.

 

Những gánh hàng bán kéo dài từ ngày sang đêm những ngày cuối năm. Ảnh: Linh Hoàng
Những gánh hàng bán kéo dài từ ngày sang đêm những ngày cuối năm. Ảnh: Linh Hoàng

Khuôn mặt của người đàn bà gần 55 tuổi, dáng vẻ tảo tần, trên môi luôn nở nụ cười thật tươi với khách này thoáng chút buồn rồi lại nhoẻn miệng cười khi nói về “nghề” của mình: “Buôn bán có lời lãi được bao nhiêu đâu cháu, nhưng cô lại chẳng biết làm nghề gì, đành bám lấy nó mà nuôi con. Khoảng 7-8 giờ tối hiếm có khách lắm, nhưng cô vẫn chưa về nhà, hy vọng bán thêm được nhánh nào hay nhánh đó. Chuối chín mà để tới hôm sau là thâm vỏ, khó bán. Vả lại gần tết rồi, cũng mong kiếm thêm được chút tiền lo tết nhất với người ta”. Theo lời cô kể, nhà cô ở đường Quyết Tiến (gần karaoke Miê Di). Nhà đông con lắm, tới 7 đứa, 2 đứa lớn đã có gia đình, còn 5 đứa sau đang tuổi ăn tuổi học nên hai vợ chồng phải bươn chải đủ việc để lo cho con. Nụ cười trong đêm cuối năm của cô buồn héo hắt!

Chẳng biết từ bao giờ những người phụ nữ bán hàng rong vất vả mưu sinh giữa chợ đời mưa nắng đã trở thành hình ảnh quen thuộc giữa thị thành. Họ có thể là người bản xứ, nhưng không ít người từ nơi khác đến, coi đây là mảnh đất lành có thể đem áo cơm về cho gia đình. Tôi hay mua trứng của Hạnh, người Bình Định, thường hay ngồi bán ở đoạn đường Hai Bà Trưng trước Trung tâm Thương mại Pleiku. Bình thường khoảng 7 giờ là cô đã dọn hàng về, nhưng “Thời gian này trong năm là bán được nhất, nên côc ráng ngồi thêm chút nữa, khoảng 9 giờ sẽ dọn”. Có thâm niên 5 năm bán trứng gà, vịt, cút… các loại tại Pleiku, và tất nhiên cũng trong từng ấy năm, cô phải ở trọ. Cô cùng 2 chị nữa cùng quê (cũng lên Pleiku bán trứng) cùng thuê một căn phòng trọ ở đường Ama Quang. Ban ngày đi bán, tối đến thì về và sinh hoạt quanh quẩn trong căn phòng mấy mét vuông ấy.

Niềm vui lớn nhất trong ngày là những giờ phút nói chuyện điện thoại với đứa con trai 5 tuổi đang gửi cho ngoại ở quê trước giờ đi ngủ. Cô cho biết, phải 29 tết cô mới về để sắm sửa cho con cái, nhà cửa. Vất vả ngoài đường, bất kể nắng mưa khiến nhan sắc của người phụ nữ mới 30 tuổi như cộng thêm vài tuổi. Nhưng khi nhắc tới đứa con trai, khuôn mặt cô bừng sáng với nụ cười lấp lánh.

 

Ảnh: Linh Hoàng
Ảnh: Linh Hoàng

Vì gia đình, vì con cái, vì cuộc sống, những người phụ nữ như cô Tuyết, chị Hạnh dường như không màng tới bản thân mình. Họ cứ âm thầm cho những chuyến mưu sinh trên đường phố mong kiếm được đồng tiền, bát gạo, lo cho cuộc sống vốn chưa được đủ đầy. Mặc cho khắp các nẻo đường đang ồn ào tấp nập, xôn xang tết nhất, nén lòng nhìn những gia đình đang hớn hở sắm mua, công việc bán hàng của họ vẫn tiếp diễn ngày qua ngày. Cứ ba bốn giờ sáng là họ đã phải thức giấc, đến tối mịt mới trở về nhà. Nét khắc khổ, sương gió hằn in lên trên từng nét mặt, từng nụ cười. Ngay cả những ngày bán đắt hàng, nụ cười tươi vui của họ dường như cũng chưa được trọn vẹn. Với số tiền ít ỏi kiếm được từ những gánh hàng rong, những người cha, người mẹ ấy đã gánh trên vai cả gánh nặng một gia đình và tương lai của những đứa con. Tôi mong mỏi vô cùng những gánh hàng bán kéo dài từ ngày sang đêm này sẽ đắt khách hơn, để họ sớm được về đoàn viên với gia đình, để họ có một cái tết đầy đủ và hạnh phúc.

Linh Hoàng

Có thể bạn quan tâm