Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

'Gánh tiếng rao đêm'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bạn nói, mình xa Hà Nội mười năm hơn. Mười năm hơn sống ở Sài Gòn, mọi thứ với bạn đã dần quen thuộc. Nhưng bạn vẫn nhớ mùa thu Hà Nội với những đợt lá vàng rơi…

Bạn nhớ những nhành cây gầy khô lặng lẽ; nhớ gánh hàng rong liêu xiêu trên phố... và nhớ nhiều thứ trong quay quắt của nỗi niềm thơ ấu, vọng vang tiếng rao đêm.

“Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ, năm ngàn một ổ. Bành mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ...”. Nghe anh bán bánh mì rao, bạn tôi bật cười, hỏi, có bán bánh mì rỗng ruột và không thơm bơ hay sao, mà họ rao thế? Ngoài ấy rao thế nào? “Bánh mì đêêê… Ai bánh mì nóng giòn nàooo…”, bạn đáp. Và bạn nói, thiếu tiếng rao đêm, Hà Nội sẽ tẻ nhạt và buồn bã biết bao! Rồi bạn nhại lại tiếng rao, Aiii bánh trôi, bánh chayyy..., aiiii tào phớơơ..., những thứ ký tự như bản hòa âm giữa lòng phương Nam hoài nhớ đất kinh kỳ.

Những gánh hàng rong là một phần của Hà Nội- Ảnh LQP
Những gánh hàng rong là một phần của Hà Nội- Ảnh LQP


Hà Nội càng về khuya, đường phố càng tĩnh lặng. Bất giác, tôi nghe văng vẳng tiếng rao quà ê a vọng lại. Tiếng rao với những âm sắc khác nhau có khi thảng thốt, có khi trầm khàn, lảnh lót... có lúc gần, lúc xa như xua đi cái heo lạnh cuối thu đầu đông Hà Nội. Nó như một lời mời với những cơ cực nhọc nhằn, không thể gọi thành tên, mà đã trở thành quen thuộc với bao lớp người Hà Nội xưa - nay.

Bên ô cửa sổ, tôi dõi mắt nhìn theo gánh hàng rong cất tiếng rao: “Xôi lạc, bánh khúc đêêê...”, cong cong trên đôi vai của người phụ nữ đi trong ngõ nhỏ vàng ánh đèn khuya, rồi miên man nghĩ về mái nhà của chị, khi nào chị mới được ngả lưng để chìm vào giấc ngủ! Chỉ ngần ấy thôi là thấu cảm được sự chông chênh của những gánh hàng rong trên phố thị, để rồi ta thêm mến yêu mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, hào hoa và tinh tế!

Tìm lại sách sử, Hà Nội ngàn xưa còn có tên là Kẻ Chợ, không những thu hút nhiều thương gia, những thuyền thợ, những nông dân từ các nơi khác đến sinh cư lập nghiệp. Và 36 phố hàng được hình thành, bán buôn các sản vật. Các hàng quán ăn uống cũng lần lượt ra đời và phát triển nhằm đáp ứng như cầu của các thuyền thợ, thương nhân...

Ban đầu chỉ là những món ăn bình dị, hay tấm quà quê, rồi theo nhu cầu ẩm thực của con người nơi đây, các món quà sáng, trưa, chiều, tối đã làm nên một nét riêng duyên dáng cho Hà Nội.

Đêm Hà Nội như dài ra. Đứa con trai từ phương Nam xa xôi, lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội chẳng thể nào ngủ được. Cái lạnh cuối thu đầu đông gieo vào lòng tôi nỗi nhớ nhà khôn tả. Phương nam chỉ có 2 mùa mưa nắng, nên người ta thèm những cơn gió heo may của mùa thu; những đợt gió đông bắc về se se lạnh, hay cái tính đỏng đảnh trái mùa của tiết trời Hà Nội, để sáng mai thức dậy nhìn sắc lá vàng rơi nhuộm khắp ngả đường.


Với tôi, tôi thèm một mùi hương hoa sữa, hứa cùng em đi hết bốn mùa, nhặt những tiếng rao đêm rơi xuống phố, mang về phương Nam cho những người Hà Nội xa Hà Nội…

Đêm Hà Nội những màn mưa giăng phủ. Gió giao mùa gợi chút miên man. Bất giác, tôi lại nhớ hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, để nghĩ về tiếng rao đêm giữa lòng Hà Nội. Theo thời gian, sẽ có những tiếng rao dần mất, có những tiếng rao lại bền bỉ theo thời gian.

Giữa cái mất và còn, giữa đổi thay và tiếp biến, những tiếng rao đêm mang cả hồn quê vào phố; hay không gian của những quán cà phê nằm trong phố cổ không ồn ào, mà riêng tư, trầm lắng. Đĩa bánh cuốn Thanh Trì mỗi sáng; miếng chè lam thanh ngọt; hay một nắm lạc rang húng lìu và nhiều thứ nữa, đã gắn liền với thời thơ ấu của những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

* Thơ Lâm Thanh Bình.


 

Theo Vũ Ly Na (Thanh Niên Online)

Có thể bạn quan tâm