Gập ghềnh đường về của người sau cai nghiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp xúc với những người nghiện ma túy mới thấy, có trăm ngàn lý do đưa đẩy người ta đến với “cái chết trắng”, để rồi đánh mất tương lai. Nhiều người trong số họ cũng đã không ít lần quyết tâm cai nghiện, nhưng con đường hòa nhập cộng đồng vẫn còn lắm chông gai...

Những bước chân trượt ngã

Chúng tôi đến Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Gia Lai, khi các học viên đang trong giờ chăm sóc vườn rau và dọn dẹp khuôn viên của Trung tâm. Hơn 40 con người đến từ nhiều địa phương khác nhau; nam-nữ, già-trẻ đều có, người nghiện ít thì vài tháng, nhiều thì vài năm, con nhà khá giả cũng nhiều mà con nhà nghèo dính vào ma túy cũng không ít…

 

Các học viên chăm sóc vườn rau. Ảnh: L.A

Được sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Trung tâm, chúng tôi tiếp xúc với nữ học viên L.T.T.H. (SN 1996, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) là học viên trẻ tuổi nhất tại đây. Nói về con đường đến với “cái chết trắng” của mình, H. bộc bạch: “Người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng với em thì do sự tò mò và thói đua đòi của mình mới dính vào ma túy. Bố em mất sớm, mẹ buôn bán nuôi 6 anh chị em khôn lớn, nhưng mới học hết lớp 7 em đã bỏ học và đi học nghề làm tóc nữ. Học xong nghề, mẹ em cho nhà và tiền vốn để sống tự lập, nhưng lúc đó còn ham chơi, khi có tiền thì lại chơi nhiều hơn. Trong đám bạn của mình, em biết một đứa nghiện nên hỏi và được nó cho dùng thử. Sau lần đó em dính sâu vào ma túy từ lúc nào không hay.

Cũng vì nghiện ma túy mà chỉ trong 6 tháng em đã “đốt” gần hết số tiền 300 triệu đồng mà em bán căn nhà của mẹ cho... Khi mới vào đây cai nghiện, em cũng vật vã lắm, nhưng giờ đã cắt được cơn nghiện, nghĩ lại có hối hận cũng muộn mất rồi. Người ta bảo “không nghe cave kể chuyện, không nghe con nghiện trình bày…”, giờ có hứa cũng mấy ai tin, nhưng khi ra khỏi đây em sẽ quyết tâm làm lại từ đầu, chỉ sợ gia đình và xã hội kỳ thị thôi…”.

Cũng chỉ vì thử một lần cho biết mà L.V.T. (36 tuổi, trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) phải vào đây cai nghiện, bỏ lại người vợ hiền một mình tần tảo nuôi hai con nhỏ: “Ban đầu cũng chỉ nghĩ thử một lần cho biết, em cũng không ngờ lại dính vào con đường nghiện ngập. Mỗi khi nghĩ về những sai lầm của mình, em thấy vô cùng hối hận, bởi vì mình đã gây ra nỗi đau lớn cho gia đình, vợ con…”, nói xong T. vội vàng đi thẳng ra vườn rau như không muốn nhắc về quá khứ sai lầm của mình.   

Gian nan đường về

Hiện có rất nhiều hình thức để người nghiện ma túy có thể cai nghiện, từ cai nghiện tại gia đình-cộng đồng đến cái nghiện tại cơ sở cai nghiện với hai biện pháp là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 người liên quan đến ma túy. Qua tìm hiểu được biết, mỗi năm, Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh tiếp nhận khoảng 30 học viên cả bắt buộc lẫn tự nguyện đến cai nghiện. Trung tâm có nhiệm vụ điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe sau cai, đồng thời tổ chức lao động trị liệu giúp các học viên vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, có hơn 70 người cai nghiện theo hình thức tại gia đình-cộng đồng.

Theo Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ, người sau cai nghiện sẽ được các đoàn thể địa phương tiếp cận, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện hướng nghiệp, học nghề và tạo việc làm... để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập, nên thực tế hiện nay, số người được cai nghiện khi trở về với cộng đồng thì có từ 70% đến 80% tái nghiện trở lại và chỉ số ít hòa nhập được với cộng đồng do gia đình và bản thân người nghiện quyết tâm và có môi trường tốt giúp con em hòa nhập.

Phân tích về vấn đề này, Bà Võ Thị Loan Anh-Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh cho biết: Tỷ lệ người tái nghiện cao có rất nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào việc: phần lớn họ đều không có tay nghề, công việc không ổn định nên bị bạn bè xấu rủ rê, tái nghiện cũng là điều dễ hiểu. Rất nhiều học viên trong quá trình cai nghiện rất ngoan và quyết tâm, nhưng khi tái nghiện qua tâm sự hầu hết họ có tâm lý bị xã hội, gia đình kỳ thị, xa lánh. Nhiều người đi xin việc đều bị từ chối thẳng thừng khi chủ lao động biết quá khứ của họ. Việc đào tạo nghề để những người sau khi cai nghiện có thể tự kiếm sống vẫn chưa thực hiện được, nên người nghiện muốn đoạn tuyệt được hoàn toàn với ma túy, thì chính bản thân họ phải có quyết tâm lớn, chỉ những người rèn luyện được bản lĩnh vững vàng mới hy vọng thành công.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm