Gặp khó trong duy trì nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 4-2011, gần 100 em học sinh nữ dân tộc Jrai của Trường Tiểu học Ia Ka (huyện Chư Pah) được tham gia lớp dạy nghề dệt truyền thống do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Lớp học diễn ra trong sự háo hức của tất cả các em học sinh cũng như các nghệ nhân dệt tại làng Chư Yố 1, Chư Yố 2. Hàng tuần, sau các ngày học văn hóa trên trường, cứ tới thứ bảy và chủ nhật, các em lại tập trung đông đủ tại nhà rông, nhà già làng để học môn dệt thổ cẩm-nghề truyền thống của đồng bào mình.
 

Ảnh: Phương Linh

Được trang bị chu đáo từ bộ khung dệt vừa tầm với mình cho đến sợi để dệt, vì vậy, suốt 4 tháng liền, lớp học được duy trì đều đặn mà các em không vắng mặt buổi nào. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Ka cho biết: “Lớp nghề dệt thổ cẩm được mở trong dịp cận hè nên các em học sinh rất hứng thú. Phần lớn các em ai cũng tự dệt được những sản phẩm đơn giản như túi xách, ví,… để phục vụ cho bản thân mình và để làm quà tặng”. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, lớp học đầy ý nghĩa trên chỉ được duy trì lay lắt vài tháng rồi thôi hẳn bởi kinh phí cạn dần.

Năm 2010, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm tại xã Ia Ka được thành lập, tập hợp khoảng 30 hội viên là nghệ nhân, chị em dân tộc thiểu số biết và yêu thích nghề dệt thổ cẩm. Kinh phí để duy trì câu lạc bộ do thành viên đóng góp. Bên cạnh đó, các thành viên cũng phải tự tìm đầu ra, nơi tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm cho mình. Các sản phẩm thổ cẩm rất tinh xảo, đòi hỏi chị em phải tốn rất nhiều công sức nên giá bán cũng khá cao. Bà Siu Hlit (làng Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah)-thành viên khá tích cực của Câu lạc bộ Dệt cho biết: “Trung bình dệt một túi xách nhỏ thì mất khoảng 2 ngày với giá bán là 100.000 đồng. Dệt áo hoặc váy thì 4-5 ngày, bán khoảng 200.000 đồng/cái”.

Tuy nhiên, phần lớn các thành viên của câu lạc bộ đều là người dân tộc thiểu số, trình độ cũng như khả năng giao tiếp còn hạn chế và rụt rè nên việc thu hút khách hàng là một thách thức không hề nhỏ. Cùng với điều kiện kinh tế của gia đình chị em phụ nữ còn khá khó khăn, các sản phẩm thổ cẩm không bán được đã khiến Câu lạc bộ Dệt trở nên lay lắt, hoạt động rời rạc.

Bà Siu Hlit chia sẻ: “Câu lạc bộ được thành lập giúp chị em mình gìn giữ nghề truyền thống cũng như kiếm thêm thu nhập. Mình cũng rất thích dệt, nhưng sản phẩm làm ra bán rất chậm. Phần lớn khách hàng thích ai dệt thì đặt hàng người đó, mà cũng ít người đặt lắm”. Khi lớp dạy thổ cẩm cho học sinh nữ còn hoạt động, một mình bà Rơ Châm Nglinh (45 tuổi, làng Yố 2, xã Ia Ka) phụ trách dạy tới 10 em, bây giờ thì chẳng còn ai học nữa, một phần vì phải đi học trường xa, phần khác vì bà cũng chẳng còn sợi để cho các em dệt. Hàng ngày, tranh thủ mỗi lúc rảnh, bà Nglinh lại bắc khung ngồi dưới gốc cây khi thì dệt cái túi, cái áo cho đỡ nhớ nghề. Thỉnh thoảng bà vẫn được đặt hàng với số lượng ít, nhưng phần lớn là họ lấy sợi để đổi sản phẩm. “Như vậy cũng vui rồi, mình bỏ công, họ cho mình sợi, thế là không cần mua vẫn có sợi để dệt”-bà Nglinh cười nói.

Rồi bà nói thêm: “Bây giờ mình vẫn dạy cho các con gái của mình dệt đó, để chúng không quên mất nghề. Mình chỉ ước nhà mình thật giàu, lúc ấy mình sẽ được ngồi dệt cả ngày không phải lo lắng gì cả”.

Trao đổi với P.V, bà Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Làm thế nào để có vốn đầu tư ban đầu cho chị em và để các sản phẩm có nguồn ra đều đặn để chị em yên tâm làm nghề vẫn đang thực sự là một bài toán khó. Vì vậy, chúng tôi cần sự chung tay của các ban, ngành liên quan như Văn hóa, Lao động để giúp chị em dân tộc thiểu số có thể kiếm được thu nhập từ chính nghề truyền thống của mình.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm