(GLO)- Tôi và anh Lê Đình Ninh vừa có chuyến đi Đà Nẵng để sưu tầm một số tư liệu lịch sử liên quan đến báo chí tỉnh Gia Lai trong thời kháng chiến. Chúng tôi ghé thăm ông Đỗ Huyên (phường An Khê, quận Thanh Khê), một trong những cán bộ tiền khởi nghĩa ở Gia Lai, năm nay vừa tròn 100 tuổi.
Anh Đỗ Huyên Lộc-con trai thứ tư của ông Huyên tiếp chúng tôi một cách thân tình. Anh cho biết: Tháng 6-2022, gia đình anh vừa tổ chức lễ mừng thượng thọ cho cha. Ông Huyên sinh năm 1922, nhưng trong mọi giấy tờ đều ghi năm sinh là 1925. Hiện nay, tuy sức khỏe có giảm sút, đi lại bằng xe lăn nhưng ông vẫn nhớ rõ những chuyện đã qua trong đời, nhất là thời gian tham gia hoạt động cách mạng.
Trước năm 1945, ông Huyên học ở Huế và đỗ tú tài. Sau đó, ông thi đậu vào ngạch thừa phái được bổ nhiệm về làm việc tại Văn phòng Quản đạo Pleiku (cơ quan của Tỉnh trưởng Pleiku thời bấy giờ), cùng thời với các ông Phan Bá, Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân. Tiếp xúc với những người yêu nước như Trần Ngọc Vỹ, Dương Thành Đạt, Phan Bá… ông Huyên tham gia một số phong trào trong nhóm thanh niên tiến bộ ngày ấy. Năm 1945, ông tham gia thành lập Đoàn Thanh niên Gia Lai với mục tiêu đấu tranh chống lại chính sách hà khắc của chế độ thực dân và chính quyền tay sai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đoàn Thanh niên Gia Lai bấy giờ hoạt động khá tích cực.
Tác giả (bìa trái) chụp ảnh cùng ông Đỗ Huyên (người ngồi). Ảnh: H.L.V |
Trong những ngày Nhân dân cả nước chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, ông Huyên là thành viên trong Ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên Gia Lai. Ông đã tích cực vận động Nhân dân ủng hộ Việt Minh, chống chính quyền thân Nhật. Khi nhận được mật thư của Việt Minh Bình Định, Đoàn Thanh niên Gia Lai đã chuẩn bị điều kiện và kêu gọi Nhân dân các dân tộc đứng lên giành chính quyền. Sau khi thiết lập được chính quyền cách mạng ở Gia Lai (ngày 23-8-1945), với danh nghĩa Việt Minh Gia Lai, ông Huyên và ông Nguyễn Xuân cùng một số thành viên khác lên Kon Tum hỗ trợ và phối hợp với các lực lượng tiến bộ tại chỗ xóa bỏ chính quyền địa phương thân Nhật và thiết lập UBND cách mạng. Lúc này, ông đứng ra vận động cha vợ của mình là Hà Ngại-Tỉnh trưởng Kon Tum bàn giao chính quyền tay sai cho Việt Minh Kon Tum. Chính vì vậy, việc giải tán bộ máy chính quyền cũ và thiết lập chính quyền cách mạng ở Kon Tum diễn ra một cách nhanh gọn và trật tự. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Huyên được đề cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Gia Lai rồi giữ chức vụ Trưởng ty Thông tin.
Khi chính quyền cách mạng địa phương còn non trẻ thì thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Tây Nguyên. Bấy giờ, các cơ quan dân chính Đảng đều rút về đồng bằng để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến lâu dài. Trong tình hình đầy khó khăn, ông Huyên đã tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh xuất bản tờ Thông tin Gia Lai với danh nghĩa của cơ quan Việt Minh tỉnh để tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Mùa thu năm 1946, việc xuất bản ấn phẩm Thông tin Gia Lai từ căn cứ Xóm Ké (An Khê) đã đem lại niềm tin cho cán bộ và người dân trong tỉnh, tập hợp được quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung.
Cuối năm 1946, ông Huyên được điều động về Ủy ban Quân chính tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Mùa hè năm 1948, ông trở lại Tây Nguyên và tiếp tục giữ chức Trưởng ty Thông tin rồi Trưởng ban Thi đua tỉnh. Từ năm 1950 đến 1953, khi cuộc kháng chiến ở Gia Lai đến giai đoạn quyết liệt, ông Huyên được điều động về làm Bí thư huyện 5, sau đó làm Phó Bí thư huyện Đak Bớt, tỉnh Gia Kon. Đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được điều chuyển sang quân đội, phụ trách Tiểu ban địch vận thuộc Trung đoàn 120. Năm 1954, thực dân Pháp lần lượt thua đau trên chiến trường Tây Nguyên, tỉnh Gia Kon hoàn toàn giải phóng. Sau Hiệp định Genève, ông Huyên đã ra Bắc và làm việc ở Văn phòng Trung ương Đảng, rồi chuyển sang Ủy ban Dân tộc Trung ương (1955-1956).
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Huyên được phân công phụ trách Trung tâm Đo lường chất lượng Nhà nước khu vực 3 (Đà Nẵng). Đến năm 1983, ông được điều sang làm chuyên gia giáo dục tại Algérie, trực tiếp làm Bí thư Chi bộ chuyên gia tại đây 4 năm. Ông về nước năm 1987 và nghỉ hưu năm 1988. Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân-huy chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và trong xây dựng đất nước thời bình.
Nhớ lại những ngày gian khổ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Gia Lai, ông Huyên cho rằng đó là thời kỳ ghi nhiều dấu ấn sâu đậm nhất trong đời hoạt động cách mạng của mình. Ông và đồng chí, đồng đội vượt qua bao gian lao cùng với đồng bào các dân tộc nếm mật nằm gai để sống mái với kẻ thù ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất của buôn làng. Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng ngày nay đã có bước phát triển vượt bậc, đồng bào đã qua rồi cái thời đói cơm lạt muối, cùng cả nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Huyên rất vui mừng vì điều đó, như ước vọng của bao người tham gia kháng chiến thuộc thế hệ tiền khởi nghĩa như ông.
BÙI QUANG VINH