Kinh tế

Nông nghiệp

Gây nuôi động vật hoang dã: Lợi ích “kép”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều hộ gia đình đã phát triển nghề gây nuôi động vật hoang dã theo hướng thương mại. Nghề này không chỉ giúp nhiều hộ tăng thu nhập mà còn hạn chế tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Làm giàu từ nghề gây nuôi động vật hoang dã

Ông Lê Thanh Tuấn (thôn 1, xã Diên Phú, TP. Pleiku) cho biết: Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, năm 2019, ông mua 20 cặp dúi mốc sinh sản về nuôi thử nghiệm.

Lúc đó, do chuồng trại chưa được đầu tư, quy trình kỹ thuật còn hạn chế nên đàn dúi chết dần. Không nản chí, ông tiếp tục tìm hiểu và mua con giống về gây nuôi trở lại. Chuồng trại cũng được ông đầu tư xây dựng bài bản với hệ thống thông gió, sưởi ấm khi thời tiết lạnh.

Đến nay, ông đã có đàn dúi mốc khoảng 150 con để cung cấp con giống cho khách hàng ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Theo ông Tuấn, nuôi dúi mốc rất đơn giản và không mất nhiều chi phí đầu tư như các loài vật nuôi khác. Nguồn thức ăn chủ yếu của dúi mốc là mía, tre, bắp. Dúi ít bị dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc và không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh.

“Mỗi năm, dúi mốc sinh sản 3 lứa. Bình quân mỗi con dúi mẹ đẻ 3-5 con/năm. Với đàn dúi sinh sản khoảng 150 con, mỗi năm, tôi cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh khoảng 200 cặp giống. Hiện nay, mỗi cặp có giá 1-1,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm”-ông Tuấn chia sẻ.

Ông Lê Thanh Tuấn đang chuẩn bị thức ăn cho đàn dúi bằng mía và tre. Ảnh: N.D

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, qua tuyên truyền, vận động đã có 4 trường hợp tự nguyện giao nộp các cá thể động vật hoang dã gồm: 1 con tê tê, 2 con khỉ đuôi lợn và 6 con rùa. Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và bàn giao số động vật hoang dã này cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) để huấn luyện, thả về rừng tự nhiên.

Tương tự, gia đình ông Đào Sơn Hải (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cũng khấm khá hơn nhờ nuôi cầy vòi hương.

Ông Hải cho hay: “Tôi nuôi cầy vòi hương đã lâu nhưng nuôi sinh sản để bán giống thì mới hơn 6 năm. Hiện tại, đàn cầy vòi hương sinh sản của tôi có 60 con. Mỗi năm, cầy vòi hương đẻ 2 lứa, bình quân mỗi lứa 4 con. Với giá bán 7 triệu đồng/cặp cầy giống và bán cầy thương phẩm, tôi lãi khoảng 700 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Để việc chăn nuôi đảm bảo quy định pháp luật, toàn bộ số cá thể cầy vòi hương của tôi đã được đăng ký mã số cơ sở nuôi với cơ quan chuyên môn, có nguồn gốc rõ ràng và sổ nhật ký theo dõi. Định kỳ, cán bộ kiểm lâm huyện tới hướng dẫn hồ sơ thủ tục liên quan đến việc gây nuôi và buôn bán cầy vòi hương nên rất thuận lợi”.

Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở đăng ký gây nuôi động vật hoang dã với 4.456 cá thể. Trong đó, 95 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và 36 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường. Các loại động vật hoang dã chủ yếu là dúi mốc, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nai…

Các cơ sở được ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương cấp sổ theo dõi, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chấp hành đúng các quy định của pháp luật về gây nuôi động vật hoang dã.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra trại nuôi dúi mốc sinh sản của ông Lê Thanh Tuấn (bìa phải, xã Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: N.D

Ông Đào Duy Tuấn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Pơ-thông tin: Trên địa bàn huyện có 5 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chủ các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Qua theo dõi, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện đều chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành.

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, việc gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên hướng dẫn chủ các cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp mã số cơ sở gây nuôi, sổ theo dõi cập nhật, định kỳ kiểm tra nắm bắt số lượng cá thể vật nuôi biến động để theo dõi.

Việc gây nuôi này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, hạn chế tình trạng mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

“Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về bảo tồn thiên nhiên; tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trái pháp luật”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm