(GLO)- Thực ra ngôi làng ấy có tên là Đồng Bằng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), nhưng theo những người dân sống lâu năm ở đây, thì hơn 10 năm về trước, ngôi làng này có khoảng 80 nóc nhà và 100% chủ nhân của những ngôi nhà ấy đều là quân nhân công tác tại Đoàn Đồng Bằng (Binh đoàn Tây Nguyên). Chính vì vậy ngôi làng mới có tên rất lính-làng quân nhân-ngôi làng có một không hai ở Pleiku.
Sau này, làng được Đoàn Đồng Bằng bàn giao lại cho xã quản lý, rồi khi mở rộng địa giới hành chính… có thêm nhiều hộ dân khác cùng sinh sống và ngôi làng này không đơn thuần là làng quân nhân như trước. Tuy nhiên, cái tên làng quân nhân dường như có vẻ quen thuộc với mọi người hơn cái tên chính thống-thôn Đồng Bằng.
Một góc làng quân nhân. Ảnh: Phương Dung |
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ngôi làng quân nhân ấy là sự khang trang, sạch sẽ và yên bình. Ban ngày, ngôi làng rơi vào sự tĩnh lạnh, bởi nhà nào cũng cửa đóng then cài chỉ khi chiều đến, từ đầu thôn đến cuối thôn, mới thấy sự sinh động thật sự với hình ảnh những đứa trẻ mải mê nô đùa, chạy nhảy, người lớn nói cười rôm rả… Song trong những ngôi nhà ấy, dường như ít thấy bóng dáng của những người đàn ông. Bởi đa phần họ là quân nhân, thời gian họ ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, do đó chủ nhân thật sự trong những ngôi nhà ấy lại là chị em phụ nữ. Và mọi việc lớn nhỏ trong nhà đến việc thôn, việc xóm các chị đều chung tay lo liệu. Thậm chí, chuyện ăn, chuyện học, chuyện con cái ốm đau… của một nhà đều trở thành việc chung, bởi các chị đoàn kết, yêu thương và cùng lo lắng cho nhau khi các anh vắng nhà.
Chị Vũ Thị Hồng Chinh-Trưởng thôn, tâm sự: Các anh vắng nhà là việc thường xuyên nên các chị luôn xác định mọi việc trong ngoài mình phải tự sắp xếp, việc gì nên làm trước, việc gì làm sau chứ không ỷ lại, trông chờ vào các anh, do đó mọi việc sẽ trôi chảy và các chị dễ cảm thông cho việc thường xuyên vắng nhà của chồng. Hơn thế, chủ nhân thật sự của những ngôi nhà là chị em nên mọi việc thôn phát động đều dễ được các chị thấu hiểu, hưởng ứng, đồng tình.
Cũng theo nữ Trưởng thôn thì thôn hiện có khoảng 200 hộ dân cùng sinh sống, trong đó có khoảng 160 hộ là gia đình quân nhân, số gia đình còn lại có thể là công chức, nông dân, công nhân… Chính vì thôn chủ yếu là quân nhân nên cuộc sống có phần yên ả hơn so với nhiều ngôi làng khác, thu nhập của các hộ ổn định và tình hình an ninh chính trị cũng không phức tạp. 100% trẻ em trong thôn đến độ tuổi đi học đều đến trường; tỷ lệ học sinh giỏi của năm sau luôn cao hơn năm trước… Trong thôn tuy cũng có xảy ra trường hợp tranh chấp, xích mích nhưng chỉ ở mức độ nhẹ và thôn đều hòa giải thành công, không phải đưa ra xã giải quyết. Hầu hết các hộ dân trong thôn đều đạt gia đình văn hóa, nhiều hộ dân tình nguyện đăng ký tham gia vào câu lạc bộ không sinh con thứ 3…
Ngoài việc động viên, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày, các chị còn có những việc làm cụ thể để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Mới đây, thôn đã phát động mỗi chị em tiết kiệm 10 ngàn đồng/tháng và sau một năm, số tiền này sẽ được dùng để cho chị em nào có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, thôn còn có 6 tổ tiết kiệm, mỗi tháng chị em đóng góp tiền tiết kiệm cho gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn nhất được vay trước, rồi lần lượt đến các hộ gia đình khác vay theo hình thức không tính lãi suất.
Hơn nữa, trong thôn hiện còn có một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: thường xuyên đau ốm, không có đất sản xuất… nên thôn xác định, mỗi năm sẽ giúp đỡ một hộ thoát nghèo bằng phương pháp vận động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn ủng hộ tiền và ngày công, kinh nghiệm để gia đình thoát nghèo. Tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, thôn sẽ có hình thức giúp đỡ cụ thể… Mặt khác, ngôi làng đa phần là cán bộ đang công tác tại Đoàn Đồng Bằng nên mỗi khi thôn có việc nhờ đến, đơn vị đều nhiệt tình giúp đỡ. Mới đây, đơn vị cũng tạo điều kiện cho nhiều chiến sĩ xuống cùng với người dân trong thôn làm đường liên thôn…
Phương Dung