Thời sự - Bình luận

Gia cố "sân nhà"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 15/16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Rất nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngay lập tức được các quốc gia áp dụng mức thuế 0%.

Điều này đồng nghĩa là những rào cản khó khăn về thuế quan của hàng Việt tại hầu hết thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống đã được tháo gỡ, tạo sức cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Chỉ sau 3 năm từ khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng tốc mạnh. Năm 2021, ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 650 tỷ USD - một con số cao nhất từ trước đến nay, bất chấp dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Hiện những quốc gia như Hoa Kỳ, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, liên minh các nước Á - Âu, Canada, Australia và Đông Nam Á… đã nâng mức xếp hạng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào những thị trường này.

Tuy nhiên, vị thế cạnh tranh giá nhờ lợi ích FTA mang lại không đồng nghĩa với tất cả hàng hóa Việt Nam có thể bước qua rào cản kỹ thuật. Điều này cũng lý giải cho thực trạng nhiều hàng nông, thủy hải sản nước ta đang bị tắc nghẽn tại nhiều cửa khẩu hải quan các nước nhập khẩu hoặc bị buộc thu hồi khi hàng đến cảng nước bạn.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương liên tục cập nhật cho thấy, các quốc gia dù mở cửa thuế quan với hàng Việt nhưng ngược lại gia tăng rào cản kỹ thuật hàng nhập khẩu nói chung và hàng hóa từ Việt Nam nói riêng. Phần lớn những quy định rào cản kỹ thuật tập trung vào tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Một quan ngại khác, nhiều thị trường xuất khẩu thường xuyên bổ sung những tiêu chuẩn kỹ thuật mới theo hướng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng nhập từ quốc gia khác. Trong đó, có những tiêu chuẩn mà từ thời gian thông báo đến khi áp dụng chỉ trong vài tháng, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Do vậy, để hàng Việt chủ động ứng phó được rào cản kỹ thuật nói trên, tận dụng tối đa lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do song phương mang lại, về phía chính quyền địa phương, cần thiết phải trở thành hệ thống đầu mối hỗ trợ cập nhập rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nhập khẩu cho doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi có hiệu quả cam kết quốc tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm bao gồm cán bộ quản lý, hiệp hội, nông dân, doanh nghiệp, nhà phân phối, người tiêu dùng, truyền thông. Riêng với người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm Việt phải đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGap và tương đương. Các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản phải có được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương.

Ở phạm vi rộng hơn, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy công tác phối hợp, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của các nước khác. Từ đó, xây dựng và ban hành quy trình, thủ tục đánh giá, công nhận lẫn nhau về lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch động vật, thực vật theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế, góp phần giảm thiểu rủi ro rào cản kỹ thuật cho hàng Việt tại trường quốc tế.

 

Theo ÁI VÂN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm