Gia đình-nơi "định hướng" nhân cách con người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc hiểu biết và chấp hành luật pháp hiện nay của một bộ phận người dân hình như có vấn đề? Chỉ cần điểm qua một số tờ báo trong ngày, chúng ta có thể ghi nhận vô số vụ vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là, có phải công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật trong hệ thống nhà trường; trong cán bộ, công chức, viên chức; nhất là trên mạng truyền thông đại chúng còn yếu kém? Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy.
 

Ảnh minh họa

Vài chục năm lại đây, hệ thống pháp luật của chúng ta đã từng bước đáp ứng cho viêc điều chỉnh, quản lý và điều hành trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều nội dung của văn bản pháp luật đã được cụ thể hóa bằng các hướng dẫn cụ thể, giúp mọi người dễ hiểu, dễ làm theo cũng được ban hành. Cả hệ thống chính trị làm công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật; có nhiều nơi thành lập cả những hội đồng bao gồm nhiều thành phần trong các cơ quan liên quan để làm công tác giáo dục pháp luật. Không một tờ báo nào trong cả nước (in, nói, hình, điện tử...) lại không có những chuyên đề, chuyên mục, chuyên trang với thời lượng, diện tích nhất định để tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực pháp luật. Nhiều quy định chế tài trong xử lý vi phạm cũng khá rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng, tình hình vi phạm pháp luật không những không giảm mà dường như có chiều hướng tăng. Đối tượng vi phạm ngày càng “trẻ hóa”, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Đó là điều hết sức đáng quan tâm của toàn xã hội, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó là điều cần bàn đến.

Ông bà chúng ta xưa từng bảo: “Dạy con từ thuở nên thơ...”, hoặc: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Điều đó nói lên vai trò gia đình trong việc dạy người là hết sức quan trọng, nhất là vai trò của người mẹ. Đã khá lâu, theo chủ quan của người viết bài này, chúng ta đã xem nhẹ vai trò gia đình và người mẹ trong giáo dục con người nói chung và chỉ bảo những điều cụ thể cho con cháu với việc đối nhân xử thế, biết phân biệt điều hay, lẽ phải ở đời mà ứng xử với đời cho đúng đạo. Luật pháp của chúng ta là luật pháp xã hội chủ nghĩa, vừa đảm bảo điều chỉnh xã hội theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, vừa mang tính nhân đạo, tính giáo dục để mọi người hướng tới cái thiện, vốn là truyền thống ngàn đời của dân tộc ta.

Tôi không đồng ý hoàn toàn với những nhận định cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp, tình trạng vi phạm pháp luật tăng là do... quản lý của chính quyền kém, sự giáo dục trong hệ thống nhà trường phổ thông “có vấn đề”; thậm chí có kẻ lợi dụng chuyện này cho là bản chất của chế độ ta là vậy? Ở đâu đó có việc quản lý, điều hành của chính quyền đối với xã hội chưa tốt, nhưng không phải vì vậy mà quy kết là bản chất của chế độ. Có thể dẫn ra hàng vạn ví dụ để khẳng định những “ý kiến trái chiều” kia là của những người thiếu xây dựng, thiếu thiện chí với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm nay, lần đầu tiên có “Ngày Pháp luật” được chính thức quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 là: “Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Theo cơ quan chức năng, “Ngày Pháp luật” bắt đầu các hoạt động ngay từ những ngày thượng tuần của tháng 11 này.

Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 được xác định là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhằm thể hiện đầy đủ tinh thần “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”; phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Cho dù các cuộc vận động, tuyên truyền, giáo dục, kể cả đề ra “Ngày Pháp luật”, tổ chức “ra quân”, diễu hành rầm rộ cho mấy thì đấy cũng chỉ là phong trào. Điều cần thiết và lâu dài trong việc làm cho mọi người thấm nhuần và hành động theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là ở chỗ, xuất phát từ điều kiện xã hội, văn hóa của một nước vừa bước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, còn nhiều điều bất cập trong việc “thượng tôn pháp luật”, thì công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đi đôi với thực thi nghiêm túc các quy định chế tài của pháp luật vẫn phải đồng bộ từ mọi ngành, mọi cấp, mà đặc biệt quan tâm hàng đầu là từ gia đình, cái nôi đầu tiên, nơi ươm mầm, nơi “định hướng” cho nhân cách của một đời người về sau, muốn tre thẳng phải uốn từ măng; và dòng họ, xóm làng, nơi quê hương bản xứ, ở đó “văn hóa” gia đình, cộng đồng, làng xóm có sức tác động to lớn đến từng thành viên, nên việc thành bại trong giáo dục và thực thi pháp luật là bắt nguồn từ ở đấy!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm