Gia Lai: Cần ngăn chặn nạn phá rừng sấy thuốc lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phá rừng đang chủ đề “nóng” trên các diễn đàn báo chí suốt thời gian qua. Có 1001 lý do để rừng- “lá phổi xanh” của trái đất bị tàn phá nghiêm trọng. Tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt trước nạn phá rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, còn có thêm một lý do khác để “khai tử” các cánh rừng: Phá rừng lấy củi… sấy thuốc lá.

Tích củi chờ mùa sấy

Chúng tôi đến tìm hiểu tại thôn Bình Minh (xã Phú Cần), nơi được mệnh danh là “phố lò sấy” ở huyện Krông Pa-Gia Lai. Không quá lời khi đưa ra nhận xét rằng, ở đây, số lò sấy thuốc còn nhiều hơn cả số nhà dân. Anh H- một người dân ở thôn, cho biết: “Ở thôn này nhà nào chả có lò sấy. Nhà ít 1 lò, nhà trồng nhiều thuốc xây 2-3 lò là chuyện thường. Ước tính cả thôn phải có đến vài trăm lò sấy thuốc lá”.

 

Hàng trăm lò sấy mọc san sát tại phố lò sấy ở thôn Bình Minh. Ảnh Lê Hòa

Mặc dù không phải là mùa thu hoạch thuốc lá, song nhà nào cũng đã lo tích củi rừng chờ mùa sấy năm sau. Trước cửa nhà, ngoài vườn của những hộ dân ở đây là những đống củi khô được chất đống. Có nhà cẩn thận thì lấy bạt, rơm tủ cho kín đáo, cũng có nhà để vô tư, thoải mái, thậm chí, củi còn được chất đống ngay bên vệ đường.

Đứng trước một đống củi khá lớn của một hộ dân trong thôn, chúng tôi bất ngờ trước cái gọi là củi ngay trước mắt. Những khúc cây rừng đường kính lên đến 30 cm, thậm chí 40 cm được cắt thành khúc dài chừng 1,2-1,5 m. Nếu đem so với tiêu chí quy định củi (đường kính dưới 25 cm) thì đây chắc chắn không còn là củi nữa.

 

Cận cảnh thứ được cho là củi tại “phố lò sấy” thôn Bình Minh. Ảnh Lê Hòa

Anh H cho biết: “Cứ đến dịp sát Tết cổ truyền mới là mùa gom củi sấy thuốc rầm rộ nhất. Thời kỳ thu gom củi sấy thuốc kéo dài tận qua Tết chừng 2-3 tháng. Tuy nhiên, mua sớm để dự trữ sẵn khỏi lo củi lên giá, để trữ lại khô hơn, cháy bén hơn”.

Củi rừng là chất đốt “số 1” của những lò sấy thuốc lá. Cũng bởi nhu cầu này, mà ở khắp các địa phương huyện Krông Pa, nơi nào cũng có những người chuyên làm nghề khai thác gỗ, củi. Giá củi tại đây hiện đang được mua bán với giá 420 ngàn đồng/ster. Với giá thu mua lẻ tẻ, mỗi khúc củi đường kính 15-20 cm, dài 1,2-1,5 m được bán với giá 50 ngàn đồng/khúc và sẽ có giá hơn nếu củi có đường kính lớn hơn. Với mức giá này, một lâm tặc chỉ cần vào rừng đốn hạ một vài cây, chất lên xe chở về đã có trong tay vài trăm ngàn mỗi ngày. So với khai thác gỗ trái phép, mức tiền này chưa là bao nhưng rơi vào ngày “đói” gỗ, dân lâm tặc phải “chữa cháy” bằng cách này cũng không “bèo” chút nào.

Theo lời của những người dân ở đây, thuốc lá có mùa nhưng dân phá rừng lấy gỗ, củi để bán cho các lò sấy thì không cần mùa nào cả. Muốn mục sở thị, chỉ cần ngồi canh chừng trên các tuyến đường từ Phú Túc vào xã Ia Mláh một ngày là biết. Nhưng phải cẩn thận, sẽ rất khó ghi hình bởi lâm tặc đã xây dựng một hệ thống chân rết cảnh bảo cực kỳ dày đặc và xảo quyệt.

 

“Chỉ cần một chiếc xe lạ của lực lượng chức năng xuất hiện trên tuyến đường này là sau tích tắc đội ngũ lâm tặc đã biết hết. Chúng sẽ “lặn”, ngừng hoạt động. Rất khó để phát hiện ra chúng. Chính đội quân bán hàng, quán nước dọc suốt các tuyến đường là đội ngũ “thông tin viên” cho lâm tặc”- Một người dân ở Krông Pa bật mí.

Rừng tàn vì thuốc lá

 

"Củi” bao vây nhà dân. Ảnh Lê Hòa

Củi rừng chắc nên đốt cháy đượm lửa lại tiết kiệm, sẵn có, khi đốt sấy ít tốn công và đặc biệt là thuốc lá sấy bằng củi rừng sẽ có được sắc vàng đẹp hơn các loại chất đốt khác nên dân thuốc lá luôn lựa chọn củi rừng làm “số 1”.

Khó có loại cây nào ‘đốt” củi tàn bạo như cây thuốc lá. Anh H- ở xã thôn Bình Minh làm một phép tính: Vụ thuốc lá năm vừa rồi nhà tôi trồng 1,5ha, thu hoạch gần 4 tấn thuốc lá khô. Lò sấy nhà tôi thuộc loại nhỏ, mỗi lần chỉ sấy được chừng 5 tạ. Mỗi lần sấy thuốc phải mất 7 ngày 6 đêm, quy ra củi ước tính khoảng 8 ster. Cứ theo phép tính của anh H, riêng vụ vừa qua, 1,5 ha thuốc lá nhà anh tiêu tốn trung bình khoảng trên dưới 64 ster củi.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 1.000 lò sấy thuốc, trong đó, nhiều nhất là huyện Krông Pa với hơn 700 lò, huyện Ia Pa gần 200 lò và thị xã Ayun Pa hơn 100 lò. Niên vụ thuốc lá vừa qua, toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng khoảng 3.350 ha thuốc lá, riêng huyện Krông Pa chiếm khoảng 2.285 ha. Đem con số này nhân với lượng củi dùng để sấy trung bình như lò sấy của gia đình anh H mới thấy lượng củi đổ vào lò sấy này lớn biết chừng nào.

 

“Củi” tự nhiên được chất từng đống bên đường. Ảnh Lê Hòa

Đứng trước nhu cầu lớn về lượng củi đốt phục vụ cho các lò sấy, có hay không việc phá rừng lấy củi sấy thuốc? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đức Đại- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, cho biết: “Thực chất chuyện lấy gỗ rừng làm củi vẫn đang diễn ra, cao điểm nhất thường rơi vào mùa thu hoạch thuốc lá. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do có nguồn gỗ khai thác từ dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su từ các huyện Chư Prông, Chư Pưh đổ về nên dân cũng bớt khai thác gỗ rừng tự nhiên hơn. Ngoài ra, dân cũng còn khai thác các loại chất đốt khác như trấu, củi điều… nên cũng hạn chế bớt tình trạng phá rừng lấy củi sấy thuốc”.
 

Theo kết quả báo cáo về tình hình kiểm tra việc sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá vàng niên vụ Đông Xuân 2011-2012 của Hạt Kiểm lâm Krông Pa tại địa bàn 14/16 xã, thị trấn của huyện chỉ phát hiện 25 hộ sử dụng củi tự nhiên để sấy thuốc, trong đó có 5 hộ sử dụng củi không hợp pháp với tổng số lượng 4,3 ster, phạt hành chính 7 triệu đồng; còn lại 395 hộ sử dụng củi tự trồng.

Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Krông Pa, từ năm 2010 đến nay, diện tích điều bị chặt hạ của huyện rất ít vì đã đi vào quỹ đạo ổn định. Còn với quan điểm của người dân trồng thuốc lá, chuyện dùng trấu để sấy thuốc lá vẫn còn là chuyện khá xa lạ vì lý do khó lấy đâu cho đủ trấu để sấy hàng trăm, hàng ngàn ha thuốc và cũng không ai đủ sức ngồi 7 ngày 6 đêm để tiếp trấu trong lò sấy! Sức ép khổng lồ của nhu cầu nguyên liệu sấy thuốc dội lên những cánh rừng.

Cứ sau mỗi vụ thuốc lá, hàng triệu cây xanh khắp các cánh rừng lại bị khai tử không thương tiếc, phục vụ lợi ích cho một số ít người. Trong khi, gỗ từ dự án chuyển đổi chở về lại cách xa cả trăm cây số. Cứ với thực trạng này, rừng Krông Pa vẫn tiếp tục “chảy máu” vì thuốc lá là điều không thể tránh khỏi.


 

Lê Hòa-Trần Dung
 

Có thể bạn quan tâm