Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Cây mắc ca mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây mắc ca còn có tác dụng chắn gió, tạo bóng mát, cải thiện môi trường sinh thái, giữ nguồn nước ngầm. Vì vậy, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích loại cây này.

Đầu năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật, bà con nông dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) tham gia mô hình trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Năm 2015, hộ các ông: Bùi Viết Khả, Nguyễn Đức Định (làng Ia Ring) và Nguyễn Năng Châu (làng Bông) thu nhập gần 200 triệu đồng từ việc thu bói 3 ha mắc ca (mỗi hộ 1 ha). Sau đó, sản lượng tăng dần mỗi năm. Năm 2020, mỗi gia đình thu hoạch hơn 2 tấn hạt mắc ca khô, giá 80-100 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thì lãi khoảng 160 triệu đồng/ha.

   Cán bộ Hội Nông dân xã Ia Tiêm thăm vườn mắc ca của gia đình ông Bùi Viết Khả (bìa trái). Ảnh: Hoàng Cư
Cán bộ Hội Nông dân xã Ia Tiêm thăm vườn mắc ca của gia đình ông Bùi Viết Khả (bìa trái). Ảnh: Hoàng Cư


Ông Nguyễn Phú-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tiêm dẫn chúng tôi tham quan vườn mắc ca trồng xen cà phê ở làng Ia Ring. Những cây mắc ca hơn 8 tuổi xanh tốt cao khoảng 6-8 m, được cắt tỉa cành, giằng chống cẩn thận. Ông Bùi Viết Khả giải thích: “Vườn mắc ca được trồng từ năm 2012. Do cây cho nhiều quả nên phải cắt bớt cành, giằng chống để thân cây vững chắc phòng đổ ngã trong mùa mưa sắp tới”.

Cũng theo ông Khả, mắc ca mang lại nhiều lợi ích thiết thực nên ông mở rộng thêm 1,5 ha trồng xen trong vườn cà phê, vườn cây ăn quả. Năm 2020, trừ các khoản chi phí, gia đình ông đã thu hơn 300 triệu đồng từ 2,5 ha mắc ca. Năm nay, mắc ca được mùa, thương lái mua tại vườn với giá 100-110 ngàn đồng/kg hạt khô. Năm nay, gia đình ông sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Phú thì vui mừng nói: “Trồng cây mắc ca rất dễ, ít công chăm sóc, không lo hạn hán, ít gặp rủi ro. Năm 2012, xã Ia Tiêm chỉ có 3 hộ trồng 3 ha thí điểm thì nay có tới hàng trăm hộ. Với đà này, nhiều hộ sẽ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây mắc ca”.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: “Toàn huyện có gần 100 ha mắc ca trồng xen trong vườn cà phê. Thời điểm này, nhiều hộ đang chuẩn bị cây giống và các điều kiện để trồng loại cây lâu năm này”.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: “Cây mắc ca có nhiều loại nhưng loại nào cũng chịu hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Gia Lai. Quả mắc ca giàu chất dinh dưỡng, là món ăn ngon nên nhu cầu thị trường rất lớn. Toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê, trong đó có khoảng 600 ha ở huyện Kbang, hơn 100 ha ở huyện Đak Đoa, gần 100 ha ở huyện Chư Păh. Diện tích cây mắc ca chắc chắn sẽ còn tăng lên vào cuối năm 2021 và các năm tiếp theo”.

 

HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm