Gia Lai: Chậm hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bị dịch tả châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến nay đã gần 3 tháng. Một số xã đã công bố hết dịch, công tác thống kê thiệt hại cũng đã rõ nhưng đến nay, tiền hỗ trợ vẫn chưa đến tay người chăn nuôi.
Tiêu hủy heo chết tại xã Chư Don. Ảnh: N.D
Tiêu hủy heo chết tại xã Chư Don. Ảnh: N.D
Dịch tả heo châu Phi được phát hiện đầu tiên tại làng Lốp (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) vào ngày 14-5. Từ đó đến ngày 29-7, dịch đã xảy ra ở 377 hộ thuộc 76 thôn, làng của 25 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện, thị xã gồm: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa và Ayun Pa. Riêng tại huyện Ia Grai, 1 hộ có heo chết được xác định dương tính với dịch tả heo châu Phi nhưng địa phương này chưa công bố dịch. Theo báo cáo tổng hợp ngày 28-7 của Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh, tổng số heo mắc bệnh, chết và đã tiêu hủy là 2.119 con với khối lượng 62.898 kg.
Nhìn chung, sau khi phát hiện dịch, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống, không để lây lan trên diện rộng. Hiện nay, trên địa bàn một số xã, thị trấn không phát sinh thêm heo mắc bệnh, như: Chư Don, Ia Blứ, Ia Phang, Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), Ia Mơr, Ia Piơr, Bình Giáo (huyện Chư Prông) hoặc tại các xã của huyện Đức Cơ và Phú Thiện. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam tỉnh, trong hơn 1 tuần trở lại đây, các huyện, thị xã đều lần lượt công bố dịch ở một số xã. Vì vậy, việc phòng ngừa, ngăn chặn không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ cơ quan chuyên môn mà cả đối với người chăn nuôi.
Một vấn đề khác là ngay sau khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính đã họp bàn triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và người tham gia phòng-chống dịch. Cụ thể, căn cứ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ, người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh từ ngày 14-5 đến hết ngày 26-6-2019 được áp dụng mức hỗ trợ 32.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại; 64.000 đồng/kg đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác. Trường hợp người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy từ ngày 27-6 thì thực hiện hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ; mức hỗ trợ là 25.000 đồng/kg heo hơi đối với heo con, heo thịt các loại; 30.000 đồng/kg heo hơi đối với heo nái, heo đực đang khai thác.
Hiện nay, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã cơ bản thực hiện xong công tác thống kê thiệt hại để tiến hành hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi. Một số xã đã công bố hết dịch và người chăn nuôi bắt đầu tái đàn hoặc lên kế hoạch đầu tư chăn nuôi lại. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi đang gặp khó khăn về kinh phí khi công tác hỗ trợ thực hiện rất chậm. Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại đàn heo của 5 hộ thuộc 3 thôn trên địa bàn 3 xã. Tổng trọng lượng heo nhiễm bệnh, chết và tiêu hủy là 5.032 kg. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện sẽ tạm ứng ngân sách để hỗ trợ cho người chăn nuôi. “Tuy nhiên, do chưa thống nhất mức chi cho đối tượng tham gia chống dịch nên tất cả đều đang chờ. Sắp đến, huyện sẽ thực hiện chi trả hỗ trợ trước cho người chăn nuôi, còn những đối tượng tham gia chống dịch sẽ truy lĩnh”-ông Luyến thông tin thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thì cho hay: Chư Pưh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã thực hiện xong việc thống kê số hộ bị thiệt hại và đã báo cáo để tỉnh, Trung ương cấp kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi. “Số lượng heo thiệt hại trên địa bàn rất lớn mà huyện đã hết nguồn kinh phí dự phòng nên không đủ khả năng hỗ trợ cho người chăn nuôi”-ông Tứ nói.
LÊ VĂN NHUNG

Có thể bạn quan tâm