(GLO)- Những ngày này, thời tiết tại khu vực Đông Nam tỉnh nắng nóng, hanh khô đây là điều kiện dẫn đến các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, với sự chủ động trong phương án phòng-chống cháy rừng nên không có vụ cháy lớn nào xảy ra từ đầu năm đến nay, đó là những nỗ lực của các đơn vị quản lý rừng trên các địa bàn trong thời gian qua.
Krông Pa là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn với trên 105.000 ha, trong đó có nhiều diện tích rừng thuộc họ cây dầu sống tập trung ở khu vực núi cao, đường đi lại hiểm trở. Dù vậy, với tập quán đốt nương, làm rẫy, cùng với việc người dân tại chỗ luôn mở rộng đất sản xuất nên nhiều diện tích đất nằm cạnh khu vực rừng được người dân tận dụng làm nơi trồng trọt, đến mùa khô lại đốt cây, lá và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng trong những năm trước.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Nắm bắt tập quán sinh sống của người dân, trong mùa khô 2013-2014 Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã chủ động lập phương án phòng-chống cháy rừng, cũng như thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu và có sự chủ động trong các phương thức sản xuất không để tác động đến khu vực rừng do các đơn vị, chủ rừng quản lý… nhờ vậy, từ đầu mùa khô 2014 đến nay, trên địa bàn không có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra, chỉ có một vụ cháy nhỏ ở địa bàn gần rẫy dân và được khống chế kịp thời. Song song với công tác tuyên truyền, các đơn vị chủ rừng chủ động tiến hành phương án như đốt dọn thực bì, đào các đường băng cản lửa để phân cách khu vực rừng với đất rẫy của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.
Cùng với huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa cũng là khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm, do vậy công tác sẵn sàng ứng phó với các tình huống được đặt ra và các lực lượng chuyên trách đã chủ động kiểm soát tình trạng trên.
Theo ông Nay Rcom Jem-Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa: Ban đang tích cực triển khai các hoạt động theo phương án đã được phê duyệt, trong đó tập trung tuyên truyền đến các hộ dân, hộ nhận khoáng, lập chốt chống cháy tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy như xã Hbông-huyện Chư Sê, khu vực đèo… Đến thời điểm hiện tại, trên tổng diện tích quản lý khoảng 10.000 ha rừng trên địa bàn 3 huyện Phú Thiện, Chư Sê và Ia Pa chủ yếu là cây dầu, rừng khộp, nghèo nên việc cháy rừng gây thiệt hại lớn là rất khó xảy ra, riêng các thảm thực bì, cây bụi được các tổ phụ trách triển khai công tác đốt dọn thực bì thường xuyên vào mùa khô mỗi năm.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Cùng trên khu vực Đông Nam tỉnh, huyện Ia Pa là địa phương còn diện tích rừng khá lớn với 59.000 ha, có 2 lâm trường quản lý khoảng 25.000 ha, trong đó xã Ia Tul là địa phương có diện tích rừng nhiều nhất. Ông Nguyễn Đình Khanh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ia Pa cho biết: Bên cạnh công tác phòng-chống phá rừng, thì trong mùa khô năm nay, đơn vị thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị chủ động trong công tác phòng-chống cháy rừng, giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Hạt tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ huy chữa cháy rừng, trong đó quy rõ từng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị một khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý. Các đơn vị chức năng Hạt và các lâm trường thường xuyên điều động nhân lực tuần tra, đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng.
Với sự chủ động và tích cực phối hợp giữa các địa phương, ban ngành cùng đơn vị chức năng, do đó trên toàn khu vực các huyện Đông Nam tỉnh chưa ghi nhận vụ cháy gây thiệt hại đến diện tích cây rừng, đây là tín hiệu vui trong nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng-chống cháy rừng mùa khô 2013-2014.
Nguyễn Giác