Gia Lai: Chung tay xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu, đến nay đã thực hiện công tác định canh-định cư gắn với tổ chức sản xuất ổn định cho 87.146 hộ- đạt 86% số hộ, qua đó đã cơ bản xử lý ổn định tình hình di cư tự do trên địa bàn.
Theo Chương trình 135 của Chính phủ, nguồn vốn Trung ương đầu tư trên 400 tỉ đồng cho 68 xã vùng III và 309 làng đặc biệt khó khăn xã vùng II của tỉnh ta xây dựng 73 trường học, 880 km đường giao thông, 31 công trình thủy lợi, 5.055 mét kênh mương, 3.300 m2  trạm xá, 750 công trình nước sinh hoạt, hình thành 18 trung tâm cụm xã. Đồng thời, chương trình này đã đầu tư hỗ trợ sản xuất cho 32.000 hộ và 12.300 con em học sinh hộ nghèo, đào tạo tập huấn cho hơn 17.000 lượt người về chính sách dân tộc và tôn giáo, quản lý và giám sát, kiến thức pháp luật, khuyến nông… Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết đất sản xuất và đất ở cho 15.330 hộ với hơn 5.330 ha (theo Quyết định 132 và 134 của Thủ tướng Chính phủ), hỗ trợ làm nhà cho 19.480 hộ và xây dựng 4.296 công trình nước sinh hoạt cho 25.858 hộ…
Ảnh: Lương Thanh
Từ năm 2007 đến 2009, toàn tỉnh có 63.530 lao động được giải quyết việc làm, 40.028 người được đào tạo nghề theo hình thức dài hạn và ngắn hạn. Dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn với kinh phí gần 4 tỉ đồng đã triển khai các mô hình nuôi dê sinh sản, heo sọc, cá nước ngọt, trồng tre lấy măng, cây ăn quả, chuối nguyên liệu… cho 1.835 hộ, đồng thời tập huấn kỹ thuật cho 3.660 lượt người tham gia.
Từ năm 2000 đến nay, thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tỉnh ta huy động nguồn Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 21 tỉ đồng, cùng trên 30.000 ngày công sản xuất,  giúp con giống và cây giống, hỗ trợ cứu đói. Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.740 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và sửa chữa 860 nhà ở, tặng hộ nghèo 1.031 con dê và bò sinh sản, các loại cây giống và vật tư phục vụ sản xuất cho hộ nghèo. Đến nay, thị xã An Khê và TP. Pleiku, các xã, phường trực thuộc ở hai địa phương trên đã được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao “Bằng ghi công” về xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo. Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới và hải đảo”, từ kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng cùng với công lao động do các đồn biên phòng và đoàn viên thanh niên các xã tại địa bàn tham gia, Ủy ban MTTQ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp xây dựng 2 công trình dân sinh và 43 căn nhà ở cho hộ nghèo tại 3 huyện biên giới.
Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, tiêu biểu như Hội Cựu chiến binh tỉnh tích cực, chủ động giúp hội viên vay vốn giải quyết việc làm để tạo cơ hội thoát nghèo, với tổng dư nợ hơn 400 triệu đồng. Các cấp bộ Đoàn đã vận động đoàn viên thanh niên đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, duy trì nhiều kênh vốn hỗ trợ lãi suất cho 2.823 đoàn viên thanh niên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân các cấp chú trọng tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai cho vay vốn 2308 và vốn ủy thác, đến nay đạt tổng dư nợ gần 1.000 tỉ đồng giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất. Hội Phụ nữ các cấp cũng phối hợp với các ngân hàng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với tổng  dư nợ hơn 600 tỉ đồng. Các cấp hội còn phát động phong trào tiết kiệm xây dựng Quỹ “Mái ấm tình thương” để làm 45 căn nhà trị giá gần 800 triệu đồng và sửa chữa 28 căn nhà với tổng kinh phí gần 43 triệu đồng cho hộ nghèo, phát động chị em phụ nữ tham gia phong trào “nuôi heo đất” với số tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng và 33.610 kg gạo giúp hộ nghèo.
Cùng với việc phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong 6 năm gần đây, tăng ni và phật tử tỉnh nhà đã góp kinh phí gần 3 tỉ đồng, hơn 100 tấn gạo, cùng các loại thực phẩm, chăn màn và áo quần tổ chức giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; quan tâm chia sẻ cả vật chất và tinh thần cho những đối tượng tàn tật bất hạnh, bị thiên tai, người không nơi nương tựa, các gia đình khó khăn và neo đơn.
Có thể khẳng định, xóa đói giảm nghèo là chương trình nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng. Kết quả từ chương trình này mang lại là rất lớn, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm