(GLO)- Không còn chồng chéo các loại sổ sách, quá trình đánh giá học sinh toàn diện và khách quan hơn… là những ưu điểm mà Thông tư 22 về đánh giá, nhận xét học sinh Tiểu học của Bộ Giáo dục-Đào tạo thể hiện qua gần 1 năm triển khai thực hiện.
Nếu như ở năm học 2015-2016, theo Thông tư 30, giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng 2 mức: đạt và không đạt thì sang năm học 2016-2017, mức đánh giá học lực học sinh đã rõ hơn với 3 mức gồm: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Nhờ đó, các trường đã có nhiều thuận lợi hơn trong công tác khen thưởng. Không còn bị áp lực về số lượng học sinh giỏi, xuất sắc, theo Thông tư 22, danh hiệu không chỉ dành cho học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, rèn luyện mà còn dành cho những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ ở một môn học, một hoạt động giáo dục nào đó.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) nhận phần thưởng cuối năm học 2016-2017. Ảnh: N.G |
Cầm trên tay những phần thưởng cuối năm học, em Nguyễn Thành Đạt (lớp 5/7, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) hào hứng nói: “Tổng kết năm học này, em và các bạn được nhận rất nhiều giấy khen xuất sắc tất cả các môn hoặc tiến bộ vượt bậc ở một môn học, rồi giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ. Trong quá trình học tập, cô giáo luôn quan tâm, ủng hộ những ý tưởng mới lạ và giúp chúng em hoàn thành tốt các môn học”.
Còn cô Lê Thị Thu Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi thấy Thông tư 22 có rất nhiều thay đổi, như về đánh giá khen thưởng cuối năm cho học sinh có 2 mức độ là hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Những em không đạt danh hiệu này thì cũng được khen thưởng hoàn thành xuất sắc vượt bậc một môn học nào đó như Toán, Tiếng Việt, năng lực phẩm chất... Việc đánh giá này giúp học sinh thấy được sự tiến bộ của mình cũng như giúp giáo viên và phụ huynh nhìn nhận, đánh giá kết quả học tập của các em tốt hơn”.
Ngoài ra, thay vì hàng loạt sổ sách với quy định nhận xét thường xuyên cho tất cả học sinh theo Thông tư 30, hiện gánh nặng này của giáo viên đã được giảm tải, nhất là với những giáo viên bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc... “Từ khi Thông tư 22 ra đời, việc đánh giá học sinh giảm áp lực hơn nhiều, nhất là về hồ sơ sổ sách. Theo Thông tư 30 thì các giáo viên bộ môn phải đánh giá học sinh trong sổ theo dõi hàng tháng nhưng theo Thông tư 22 thì đánh giá học sinh trong từng tiết học. Tôi đơn cử như giáo viên Âm nhạc mỗi tuần 23 tiết thì các cô phải dạy 23 lớp, tức là có 23 cuốn sổ đánh giá, nhưng giờ theo Thông tư 22 thì việc đánh giá đỡ áp lực và rõ ràng, cụ thể hơn”-cô Trương Thị Thanh Phương-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) cho biết.
Ở góc độ quản lý, đa số lãnh đạo các trường Tiểu học đều cho rằng, Thông tư 22 có nhiều điểm tích cực trong quá trình thực hiện. “Thông tư 22 có nhiều ưu điểm vì việc đánh giá học sinh thường xuyên giúp nhà trường nắm được tình hình học tập của các em để có những điều chỉnh kịp thời trong năm học, chứ không phải chờ cuối tháng hay cuối học kỳ mới nắm bắt được. Việc đánh giá học sinh qua lời nói, nhận xét trong vở như hiện nay cũng giúp phụ huynh nắm rõ được con em học tập như thế nào để phối hợp với nhà trường giúp các em học tập tốt hơn”-thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trường Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) đánh giá. Về phía phụ huynh, nhiều người cảm thấy hài lòng khi con em mình được nhà trường nhìn nhận những tiến bộ ở từng môn học hay sự năng nổ trong các phong trào giáo dục bằng những phần thưởng xứng đáng.
Như vậy, kết thúc năm học 2016-2017, Thông tư 22 được đánh giá có nhiều điểm tích cực, khắc phục được những bất cập của Thông tư 30. Tuy nhiên, để việc đánh giá học sinh Tiểu học đạt kết quả theo tinh thần đổi mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo, rất cần sự nhiệt tình, tâm huyết, sự quan tâm sâu sát của giáo viên trong suốt quá trình học tập của từng học sinh để các em tiến bộ và phát huy được sở trường cá nhân.
Nguyễn Giang