Gia Lai còn 341 thôn đặc biệt khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 14-3, đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với Ban Dân tộc, các sở: Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, căn cứ các tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi rà soát, tỉnh Gia Lai có 176 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân định khu vực theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ; gồm: 104 xã, phường, thị trấn khu vực I (814 thôn); 29 xã khu vực II (202 thôn); 43 xã khu vực III (233 thôn); 44 xã, phường, thị trấn (327 thôn) không đủ điều kiện được phân định khu vực. Có 384/1.576 thôn, làng, tổ dân phố thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc.

So với giai đoạn 2016-2020, có 19/61 xã khu vực III, 89/107 xã khu vực II đã ra khỏi danh sách được phê duyệt giai đoạn 2021-2025. Sau khi sáp nhập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, toàn tỉnh còn 341 thôn đặc biệt khó khăn (giảm 323 thôn đặc biệt khó khăn so với giai đoạn 2016-2020); có 87 thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II đã ra khỏi danh sách được phê duyệt giai đoạn 2021-2025.

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh có báo cáo gửi Hội đồng Dân tộc Quốc hội. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chế độ, chính sách bị ảnh hưởng biến động giảm do các xã khu vực III, II biến động giảm khu vực; các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II đã ra khỏi danh sách được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 là 137,82 tỷ đồng với 263.056 đối tượng bị ảnh hưởng. Trong đó, một số nhóm chế độ chính sách bị ảnh hưởng nhiều như: bảo hiểm y tế; trợ giúp pháp lý; cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách miễn, giảm học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đối với địa bàn có kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách phát triển giáo dục mầm non…

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành và các thành viên đoàn khảo sát, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đinh Thị Giang nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đề nghị các sở, ngành tập trung chỉnh sửa thành báo cáo chung về ảnh hưởng của Quyết định trên như: chính sách, số liệu, đối tượng, kinh phí… để so sánh mức độ ảnh hưởng. Đồng thời, các sở, ngành cần đưa những giải pháp, kiến nghị cụ thể, không nên kiến nghị chung chung.                                                 

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm