(GLO)- Để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành còn rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã ghi nhận một số ý kiến.
* Ông MAI XUÂN HẢI-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh: Cần có sự đồng tâm, hợp lực của toàn xã hội
Bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung. Tôi đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, quần chúng, UBND các cấp và các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Y tế trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung để đem lại những kết quả thiết thực trong thời gian tới, nhất là trong công tác truyền thông, giáo dục và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó, UBND các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Các đơn vị trong ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Đảm bảo VSATTP cần có sự đồng tâm, hợp lực của toàn xã hội. Nếu chúng ta vào cuộc với quyết tâm mạnh mẽ, với tinh thần trách nhiệm cao vì chính mình và cộng đồng, tôi tin tưởng ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm sẽ được đẩy lùi, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ đảm bảo tương lai giống nòi, vì một xã hội khỏe mạnh, phồn vinh.
* Bà ĐẶNG THỊ MỸ HƯỜNG-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai): Nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Trường Mầm non 1-5 hiện có 300 học sinh, trong đó hơn 240 học sinh ở bán trú, ăn tại trường. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Nhà trường luôn tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định, điều kiện trong chế biến thực phẩm nhằm mang lại cho các em bữa ăn đảm bảo về chất, đầy đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Định kỳ 6 tháng một lần, nhà trường thực hiện xét nghiệm nước và các xét nghiệm thường kỳ theo quy định. Thực phẩm dùng để chế biến cho các cháu được hợp đồng tại các cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Giáo viên được tập huấn kiến thức VSATTP. Công tác lưu mẫu thực phẩm được nhân viên thực hiện hàng ngày. Ngoài ra, bếp ăn của nhà trường được tổ chức theo quy tắc một chiều, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Có được điều này chính là sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi giáo viên nhà trường trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
* Ông HOÀNG SƠN (xã Ia Yok, huyện Ia Grai): Tuân thủ các quy định trong kinh doanh thực phẩm
Kinh doanh tạp hóa đã gần 20 năm nay, tôi luôn chú trọng vấn đề VSATTP. Bởi lẽ, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tôi cũng chỉ là người trung gian chứ không phải là người sản xuất trực tiếp. Thực tế, nhiều sản phẩm lỗi do nhà sản xuất, khi nhập về mình không biết và khách hàng mua thực phẩm có khiếu nại thì rất mong những nhà cung cấp, sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, không thể đổ lỗi và phủi trách nhiệm. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cần cập nhật các kiến thức về VSATTP để lựa chọn thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra. Mỗi người đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp thì công tác đảm bảo VSATTP sẽ đạt kết quả cao.
Như Ý