Gia Lai: Cử nhân về xã công tác ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện Krông Pa có 2 đợt thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai với tổng số 13 sinh viên về địa bàn huyện và 1 sinh viên đã xin thôi không tham gia đề án. Trong thời gian công tác tại huyện, 12 sinh viên này vẫn chưa được tuyển dụng công chức và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT).
Theo Quyết định số 5431 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, quy định chính sách đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác theo Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, sinh viên được hưởng lương hàng tháng 100% mức khởi điểm; bố trí về công tác tại xã vùng II được hỗ trợ 10 triệu đồng, xã vùng III hỗ trợ 15 triệu đồng, được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành với công chức như: Đóng BHXH, BHYT…
 
Về cơ bản, các sinh viên được bố trí công tác, được hưởng các khoản trợ cấp theo Quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên việc quan tâm, thực hiện các chế độ để sinh viên yên tâm công tác, gắn bó với địa phương còn nhiều bất cập. Sinh viên Nguyễn Thị Kim Oanh- chuyên ngành Hành chính công, công tác tại Văn phòng UBND xã Ia Rsai tâm sự: “Thời gian công tác tại xã, em được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc. Tuy nhiên, xã bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn, việc em tiếp nhận chủ yếu vẫn là hình thức phụ việc”.
Còn với sinh viên Nguyễn Thị Minh- chuyên ngành Thống kê, công tác tại xã Phú Cần thì thắc mắc: “Những sinh viên về địa phương theo Đề án 03 như em mong được phát huy kiến thức đã được đào tạo, mong một công việc ổn định để chuyên tâm công tác. Tuy nhiên đến nay công việc mà em đảm trách vẫn là giúp việc nên khó phát huy năng lực chuyên môn của mình. Việc bổ nhiệm vào các chức danh của xã còn nhiều bất cập. Tụi em bị gạt ra khỏi danh sách mặc dù có trình độ chuyên môn”.
Về các chế độ khi tham gia Đề án 03, sinh viên Lê Hồng Minh-công tác tại xã Đất Bằng cho hay: “Hiện tại, chúng em chưa được tham gia đóng BHXH, BHYT. Khi về xã công tác, chúng em không có quyết định phân bổ công việc vì thế khó tham gia BHXH, BHYT. Tại các xã không có chi bộ trực thuộc khối cơ quan, muốn vào Đảng phải được xã tạo điều kiện về sinh hoạt tại các thôn, buôn, tuy nhiên đây là vấn đề khó, vì chúng em không phải là người địa phương, không có hộ khẩu”.
Về vấn đề thu hút và các chế độ đối với sinh viên, bà Nguyễn Thị Liên- Trưởng phòng Tài chính Đảng tỉnh, thành viên Ban Quản lý Đề án 03 cho biết: “Thực tế, khi phân công sinh viên về các xã do chưa khảo sát nhu cầu nên bố trí công việc chưa phù hợp. Qua kiểm tra tại huyện Krông Pa, sinh viên chưa được tham gia chế độ BHXH, BHYT. Việc này tỉnh sẽ đôn đốc, chỉ đạo huyện thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh”.
Trong chuyến khảo sát việc thực hiện Đề án 03 tại địa bàn huyện Krông Pa, đồng chí Bùi Văn Cường- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo: “Địa phương chú ý thực hiện các chế độ đối với sinh viên khi tham gia Đề án 03. Nếu có khó khăn gì phải trình ngay lên tỉnh để cùng tháo gỡ. Các xã nên dành biên chế cho các em, tránh tình trạng thả nổi sau 3 năm công tác. Đặc biệt, không để tình trạng “con ông cháu cha”, “ô dù” trong tuyển dụng công chức. Phải xác định sinh viên về công tác tại địa phương là lực lượng nòng cốt, nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cả trong công tác và các chế độ đãi ngộ thu hút để các em có điều kiện làm việc, trưởng thành tại cơ sở, cống hiến và gắn bó lâu dài với địa phương. Đây còn là nguồn nhân lực nòng cốt không chỉ cho cấp xã mà khi các em trưởng thành, các em có thể tham gia vào cấp cao hơn”.
Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm