Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Gia Lai đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên nền tảng số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường không gian mạng, bắt kịp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0.

Tăng khả năng tiếp cận khách hàng

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Trong công tác XTTM, Sở chú trọng cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM đã được các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng, bước đầu tạo được sự chuyển biến rõ nét. Hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức tiêu thụ theo hướng tích cực bằng việc đẩy mạnh phương thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, các sàn thương mại điện tử”.

Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng kênh bán hàng, tăng doanh số tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Đ.T

Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng kênh bán hàng, tăng doanh số tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Đ.T

Theo Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp được quan tâm chú trọng, bước đầu đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Hệ thống mạng lưới viễn thông, internet cáp quang trên địa bàn được nâng cấp, mở rộng; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng với sự ra đời và phát triển của các ứng dụng thanh toán trực tuyến như ví điện tử, Internet Banking, Smart Banking... đã đáp ứng nhu cầu sử dụng giao dịch điện tử của người dân và doanh nghiệp. Các siêu thị, trung tâm mua sắm, đơn vị cung cấp dịch vụ đã xây dựng hệ thống trang-thiết bị cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến. Giờ đây, chiếc điện thoại thông minh trở nên phổ biến với người dân để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa... góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng, nhà bán lẻ và thương hiệu hàng hóa.

“Đến nay, khoảng 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, các ứng dụng di động và mạng xã hội như: Facebook, Zalo... Doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm tăng khoảng 15%, chiếm 4% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Hiện nay, Gia Lai có 316 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (49 sản phẩm 4 sao và 267 sản phẩm đạt 3 sao), 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.

Đây là điều kiện để hỗ trợ đưa sản phẩm có chứng nhận lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí khuyến công hàng năm, Sở Công thương cũng hỗ trợ nhiều đơn vị sản xuất mua máy móc, thiết bị hiện đại để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”-ông Binh thông tin.

Việc tổ chức các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Ảnh: V.T

Việc tổ chức các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Ảnh: V.T

Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã khai thác các kênh bán hàng hiện đại trên môi trường không gian mạng một cách hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng. Không chỉ tiêu thụ hàng hóa trong nước, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) chia sẻ: “Vừa rồi, các thành viên HTX đã được cán bộ Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương) và Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong XTTM (Cục XTTM) hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM. Cụ thể, các thành viên được hướng dẫn cách thức đăng tải thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường không gian mạng qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hiện nay, HTX được tham gia các chương trình hỗ trợ qua các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Alibaba… nên tiếp cận khách hàng, nắm bắt thị trường tốt hơn, từ đó cải thiện được sức tiêu thụ và có cơ hội phát triển bán hàng đa kênh”.

Xây dựng hệ sinh thái XTTM số

Giám đốc Sở Công thương cho biết: Vừa qua, Sở phối hợp với Công ty cổ phần Vipavo và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam-Chi hội miền Trung-Tây Nguyên tổ chức kết nối các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày sản phẩm bằng hình thức triển lãm trực tuyến trong thời gian 5 ngày (từ 26 đến 30-10). 31 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã gửi nội dung, thông tin hình ảnh sản phẩm và các dữ liệu để cập nhật lên trang triển lãm tại địa chỉ: trienlamgialai.com với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng; sản phẩm làng nghề và các sản phẩm thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến nông-lâm-thủy sản; chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống; thủ công mỹ nghệ. Thông qua triển lãm trực tuyến đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng và đối tác trong cả nước, mở ra cơ hội kết nối giao thương rộng khắp qua mạng lưới XTTM rộng lớn của chương trình. Có thể thấy, XTTM trên nền tảng số đã trở thành công cụ giới thiệu, quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của tỉnh cũng như làm cầu nối giúp các doanh nghiệp Gia Lai tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan XTTM, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh... trên cơ sở kết nối, đồng bộ với hệ sinh thái XTTM số”.

Người dân huyện Mang Yang được hướng dẫn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường mạng. Ảnh: V.T

Người dân huyện Mang Yang được hướng dẫn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường mạng. Ảnh: V.T

Ngày 18-4-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 756/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030”. Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan XTTM và trên 80% doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái XTTM số và trên 50% trong số này phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; 25% dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối; hỗ trợ trên 300 lượt doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng kết nối; 25% số hội chợ, triển lãm, lớp tập huấn được tổ chức trên môi trường số; 100% cơ quan XTTM thuộc tỉnh, tổ chức hỗ trợ XTTM và trên 300 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, đảm bảo thông tin, sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái XTTM số; 100% thủ tục hành chính lĩnh vực XTTM đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Dương-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong XTTM-cho hay: “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM đã trở thành hướng đi bắt buộc. Hệ sinh thái XTTM số là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như: hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM, tư vấn-huấn luyện trực tuyến… Trong hệ sinh thái XTTM số, đơn vị sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh triển khai từng bước để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó sẽ tập trung triển khai xây dựng hoạt động quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, hướng dẫn các kỹ năng bán hàng qua livestream, phương thức quảng bá sản phẩm trên nền tảng số… nhằm giúp người bán mở ra cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường tiềm năng.

Vì vậy, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất ở Gia Lai cần áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật vào quá trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh về giá cả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong phương thức bán hàng để tăng được tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh”.

Có thể bạn quan tâm