Gia Lai: Đề phòng ngộ độc thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia ai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 25 người nhập viện cấp cứu. Mùa nắng nóng đang diễn ra là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, vì vậy, nếu không bảo quản cẩn thận thức ăn sẽ làm gia tăng nguy cơ NĐTP.  

Bác sĩ Thái Quang Hiếu-cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, cho biết: Sau khi sử dụng thực phẩm, khoảng thời gian mà các triệu chứng ngộ độc xuất hiện phụ thuộc vào nguồn gốc  nhiễm trùng, nhưng có thể dao động từ 1 giờ đến nhiều ngày sau. Các trường hợp ngộ độc biểu hiện thông qua các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu, người mệt mỏi...

 

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hiếu, các chất độc tự nhiên trong thực phẩm có khá nhiều loại mà đôi khi chúng ta vô tình gặp phải như các loại cá độc, nấm độc, thức ăn bị ôi thiu… Trường hợp phát hiện các triệu chứng khác lạ hay NĐTP nặng, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt; không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào theo lời mách bảo. Ngoài ra, cần đưa theo các dịch nôn hoặc thức ăn đang dùng để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân ngộ độc.

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Mùa hè là thời điểm số vụ NĐTP diễn ra nhiều nhất trong năm. Để phòng tránh NĐTP, người dân nên thực hiện tốt 10 lời khuyên sau đây:

1. Lựa chọn và mua thực phẩm ở nơi càng gần nhà càng tốt, nên chọn những con vật (cá, tôm, gà vịt...) đang còn sống. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng và nên lưu lại các hóa đơn mua hàng để sau đó nếu có ngộ độc xảy ra còn biết do loại nào, ai bán... để làm các thủ tục pháp lý và đền bù thỏa đáng.

2. Cần lưu ý đến khâu chế biến thực phẩm của mỗi cá nhân và gia đình, đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải thật sạch.

3.  Nếu sử dụng củ mì, cần chú ý phòng ngừa ngộ độc xyanua. Hàm lượng xyanua có cả trong phần thịt và phần vỏ (thường có hàm lượng cao hơn). Cách tốt nhất để loại bỏ xyanua trong củ mì là lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, trong lúc luộc nên mở nắp nồi để xyanua bay đi.  Với khoai tây, đậu phộng, người tiêu dùng không nên dự trữ lâu.

4.  Để tránh ngộ độc solanin có trong khoai tây, không nên ăn những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu. Nên thận trọng với những thức ăn để lâu hay bảo quản không tốt...

5. Luôn rửa sạch tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vuốt ve, chạm vào thú vật.

6. Nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn. Thịt phải chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn, tuyệt đối không ăn thịt còn màu đỏ hồng.

7. Các thực phẩm để dành, không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn.

8. Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong đáy tủ lạnh.  Giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu dưới 50 độ C (410 độ F),  rửa rau quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn.

9. Không nên dùng lại đồ ăn thừa, nhất là khi chúng không được bảo quản vệ sinh. Để tránh lãng phí, hãy mua và nấu vừa đủ.

10. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc...

Như Ý

Có thể bạn quan tâm