Dự án lâm- nông- công nghiệp tại xã Gào (TP. Pleiku, Gia Lai)- nay là dự án 661- thanh niên xung phong Gia Lai được triển khai với mục đích giao cho dân trồng, chăm sóc cao su, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi người dân nhận chăm sóc cao su thì nguồn vốn bị “đứt”, không có tiền để đầu tư, toàn bộ diện tích cao su dự án bị “bỏ hoang”, đến nay sự việc đã kéo dài tới 12 năm nhưng vẫn chưa xử lý xong.
Đứt vốn, dân bỏ bê?
Năm 1994, Công ty Xây dựng Kinh tế Thanh niên xung phong (XDKT-TNXP) Gia Lai được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước để triển khai dự án lâm- nông- công nghiệp tại xã Gào (TP. Pleiku, Gia Lai)- nay là dự án 661-TNXP Gia Lai. Mục đích của dự án này là giao cho dân trồng, chăm sóc cao su để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Dự án cao su tiền tỷ bị bỏ hoang. Ảnh: Hương Sơn |
Tuy nhiên, đến năm 1999 (khi cây cao su mới đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản), Nhà nước thay đổi chủ trương từ việc cho vay ưu đãi (không tính lãi) chuyển sang vay theo lãi suất kinh doanh (lãi suất 0,81%/tháng) nên dân không chấp nhận vay nữa. Vì thế, dân không có vốn đầu tư, diện tích cao su của dự án bị bỏ bê. Sau 12 năm phó mặc cho trời đất, vườn cao su không được chăm sóc, quản lý bảo vệ nên đã bị chết dần. Trên thực tế, diện tích cao su chỉ còn khoảng 77 ha đa số bị còi cọc.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vân (thôn 5, xã Gào) nhận trồng 1 ha cao su dự án 661 cho biết: Nhà nước không cho vay vốn nữa chúng tôi lấy đâu ra tiền để chăm sóc, cao su trồng lên đó rồi nhưng không có tiền mua phân, mua thuốc… nên cũng héo khô dần. Từ bấy đến nay cứ bỏ cho tự nó lớn, những cây còn sống vẫn có mủ nhưng rất ít. Mấy năm nay, gia đình tôi chưa lấy một giọt mủ nào, ai có nhu cầu xin cạo lấy mủ thì cho họ cạo thôi. Vì thế, cây cao su đã cằn cọc nay càng trở nên lở loét.
Theo ông Vân, lý do cây cao su không cho mủ hoặc cho rất ít mủ là do không được chăm sóc tốt. Hiện tại, diện tích cao su còn sót lại trên địa bàn đã bị suy kiệt nghiêm trọng và khó có khả năng phục hồi. Nhiều nơi, cao su bị chết rải rác, cây bụi và cỏ dại mọc um tùm khiến không ít người xót xa.
Ông Dương Hàn Vũ- Chủ tịch UBND xã Gào cho rằng: Người dân không tiếp tục chăm sóc cây cao su vì không có vốn đầu tư, hơn nữa do giá cao su thời điểm đó thấp nên không ai làm. Mặt khác, diện tích cao su này thuộc quyền quản lý của Công ty XDKT-TNXP, người dân không có quyền sở hữu nên họ không dám bỏ tiền ra đầu tư.
Chờ giải pháp!
Từ năm 1999, dự án trồng cao su tại xã Gào bắt đầu “chết yểu”, các hộ nhận chăm sóc không còn mặn mà với cây cao su. Nguồn vốn hỗ trợ cho vay đến nay đã quá hạn, người dân thì không có vốn để trả cho Công ty XDKT-TNXP thanh toán với Kho bạc Nhà nước Gia Lai. Trong khi, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã liên tục phát thông báo thu nợ. Trước thực tế trên, dự án đã nhiều lần làm việc với các hộ dân có khế ước vay trồng và chăm sóc cao su và chính quyền địa phương để bàn biện pháp thanh toán nợ nhưng sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Tổng số vốn đã đầu tư vào dự án trên 1 tỷ đồng (chưa tính công chăm sóc của dân), trong đó Nhà nước cho vay ban đầu triển khai là 966 triệu đồng và vốn Công ty đầu tư hơn 78 triệu đồng. Như vậy, sau hơn 10 năm người dân vẫn chưa có tiền để trả, trong khi Công ty vẫn còn nhiều lúng túng và số diện tích “vàng trắng” vẫn còn bỏ hoang!
Để tìm hướng giải quyết, năm 2008 Công ty XDKT-TNXP Gia Lai mới phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, UBND TP. Pleiku tiến hành kiểm tra thực trạng vườn cao su. Theo đó, Công ty đã kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai giao lại cho Công ty quản lý và tiếp tục đầu tư, sẽ chịu trách nhiệm trả nợ cho Nhà nước và trả tiền hỗ trợ công chăm sóc, quản lý bảo vệ vườn cây cho dân nhưng vẫn không đưa lại kết quả. Đến đầu năm 2011 thì phía Công ty XDKT-TNXP Gia Lai cho biết họ đã bàn giao lại toàn bộ dự án cho phía UBND TP. Pleiku vì đơn vị này trong thời gian tới sẽ giải thể.
Ông Bùi Hồng Quang- Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết: UBND thành phố đang phối hợp với công ty XDKT-TNXP để giải quyết vấn đề này vì nó đã kéo dài quá lâu. Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất lên UBND tỉnh Gia Lai cho thành phố thu hồi lại toàn bộ diện tích đất dự án và thành phố sẽ có trách nhiệm trả nợ cho Nhà nước và đền bù lại tiền công chăm sóc cho dân. Một phần diện tích đất trong số này sẽ nằm trong vùng quy hoạch phát triển xã Gào. Những hộ nào vẫn muốn sử dụng diện tích đất của dự án 661 thì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất.
Hương Sơn