Văn hóa

Gia Lai được chọn làm bối cảnh phim truyện điện ảnh “Lạc rừng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-9, tại trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (tỉnh Gia Lai), đoàn làm phim của Công ty HDA Phim (trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam) có buổi làm việc với đại diện Quân đoàn 3 về việc sản xuất bộ phim truyện điện ảnh “Lạc rừng”.

Tiếp và làm việc với đoàn có Đại tá Đỗ Đức Dũng-Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân (thứ 2 từ trái sang) tại buổi làm việc. Ảnh: Lam Nguyên

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân (thứ 2 từ trái sang) tại buổi làm việc. Ảnh: Lam Nguyên

Tại buổi làm việc, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân-Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc sản xuất phim “Lạc rừng”-thông tin: Với kịch bản đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt, phim “Lạc rừng” được xây dựng nhằm ca ngợi sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở Gia Lai, góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để bộ phim được tiến hành sản xuất đảm bảo chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ và tiến độ đề ra, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Quân đoàn 3 về quân số, phục trang, khí tài, trang bị…nhằm tái hiện bối cảnh những trận đánh diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Đỗ Đức Dũng khẳng định việc hỗ trợ đoàn thực hiện bộ phim tại Gia Lai là vinh dự và trách nhiệm của đơn vị. Sau khi được sự thống nhất, giao nhiệm vụ của Bộ Tham mưu-Tổng cục Chính trị, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ trong khả năng có thể nhằm hoàn thành tác phẩm điện ảnh mang đậm tính lịch sử và tinh thần tri ân.

Tiểu thuyết "Lạc rừng" của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: Lam Nguyên

Tiểu thuyết "Lạc rừng" của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: Lam Nguyên

“Lạc rừng” là tiểu thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh, người từng có 9 năm sống và chiến đấu cùng bà con các dân tộc tại Gia Lai và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Ra đời năm 1999, đến nay tác phẩm đã được tái bản 19 lần, đạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000); được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Bahnar.

Có thể bạn quan tâm