Gia Lai là địa phương có diện tích tự nhiên lớn và có nhiều dân tộc sinh sống, tỷ lệ người nhập cư cũng luôn ở mức cao. Không những thế, sự phân bố dân cư ít tập trung; đối với người dân tộc thiểu số, việc đăng ký hộ khẩu, tách- nhập hộ nhiều khi mang tính tự phát, chưa chặt chẽ gây khó khăn cho công tác điều tra.
Với quỹ thời gian khá ngắn là từ ngày 21-9 đến 30-11-2010, việc điều tra hộ nghèo phải được hoàn tất và báo cáo lên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, thì đây có lẽ là một thách thức không nhỏ đối với Gia Lai. Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội- ông Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Sở và trực tiếp là các địa phương phải theo dõi chặt chẽ và đôn đốc việc thực hiện. Muốn đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch của Bộ, địa phương phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều!”.
Ảnh: Lê Hòa |
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp, tập huấn quy trình điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được hoàn thành trước ngày 20-10-2010, tuy nhiên, phải đến ngày 22-10, công tác tập huấn mới được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức. Tiếp sau tập huấn là hàng loạt những công đoạn khác cần phải triển khai ở cấp huyện, xã, thôn…
Tiêu chí mới quy định: Mức chuẩn mới được áp dụng để xác định hộ nghèo và cận nghèo trong giai đoạn 2011-2015 là: Hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập từ 400 ngàn đồng/người/tháng trở xuống (khu vực nông thôn) và từ 500 ngàn đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị); hộ cận nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân 401-520 ngàn đồng/người/tháng (khu vực nông thôn) và 501-650 ngàn đồng/người/tháng (khu vực thành thị). |
Một vấn đề nữa, từ nay đến cuối năm, ngoài cuộc tổng điều tra hộ nghèo phải hoàn thành trước 30-11, Sở còn phải đồng thời tiến hành 2 cuộc điều tra cung- cầu lao động và nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, với sự góp sức của cả hệ thống chính trị, hy vọng cuộc điều tra sẽ đem lại kết quả phản ánh đúng tình hình của địa phương.
Lê Hòa