Gia Lai: Giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2012/KH-UBND về việc giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. 
 
Mục đích của Kế hoạch là theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị và địa phương; xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.  
Theo Kế hoạch, định kỳ 6 tháng, hàng năm, đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết tổ chức đánh giá thực hiện Chương trình; thu thập, tổng hợp thông tin phải đảm bảo độ chính xác, việc gửi báo cáo về cơ quan phụ trách đúng thời hạn. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Cơ quan thực hiện là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã.
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn thị xã An Khê được tặng bò, phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Minh
Về nội dung giám sát: Theo dõi, kiểm tra các nội dung về xây dựng hệ thống văn bản quản lý, tổ chức, hướng dẫn thực hiện; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hàng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai Chương trình; truyền thông, tăng cường năng lực quản lý Chương trình, dự án thành phần. Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình.
Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn, dự toán ngân sách nhà nước: Huy động, sử dụng vốn thực hiện Chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc Chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản).
Kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện của các đơn vị, địa phương. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá Chương trình của các đơn vị, địa phương. Báo cáo kết quả thực hiện, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý.
Các bước giám sát đối với cấp tỉnh: Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra tại các huyện; thông báo cho Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện về kế hoạch giám sát, chọn ngẫu nhiên xã, thôn, làng để kiểm tra thực tế. Ngoài ra các sở, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình chủ động thành lập đoàn kiểm tra của ngành để kiểm tra cấp huyện về các nội dung thuộc phạm vi quản lý.
Với cấp huyện, hàng năm, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban đề xuất UBND ban hành Kế hoạch giám sát, Quyết định thành lập Đoàn giám sát; thông báo với Ban quản lý cấp xã về Kế hoạch giám sát, chọn ngẫu nhiên thôn, bản để kiểm tra thực tế; thu thập các tài liệu liên quan; kiểm tra ở cấp thôn và tham vấn trực tiếp với đối tượng hưởng lợi từ Chương trình.
Người dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nghi Khang
Đối với cấp xã, Ban quản lý cấp xã báo cáo tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo; thu thập các tài liệu liên quan; tham vấn các đối tượng hưởng lợi về mức độ tiếp cận, thụ hưởng từ Chương trình.
Cơ quan thực hiện đánh giá chương trình là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.
Nội dung đánh giá hàng năm như sau: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình; tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hàng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao; tồn tại, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân; phương hướng, giải pháp thực hiện năm tiếp theo.
Đánh giá giữa kỳ Chương trình, gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá; tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ gồm: Sự phù hợp của kết quả thực hiện Chương trình so với mục tiêu Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch giai đoạn 5 năm; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đề xuất các giải pháp thực hiện từ thời điểm đánh giá đến năm cuối giai đoạn 5 năm, bao gồm đề xuất điều chỉnh Chương trình.
Về nội dung đánh giá kết thúc Chương trình: Kết quả xây dựng hệ thống chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình. Kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình so với mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tác động và hiệu quả đầu tư của Chương trình đối với phát triển kinh tế-xã hội; tính bền vững của Chương trình; bình đẳng giới; môi trường, sinh thái. 
Đánh giá đột xuất về Chương trình là xác định những phát sinh ngoài dự kiến, nguyên nhân phát sinh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện, khả năng hoàn thành mục tiêu của Chương trình.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện hàng năm; tổng hợp chung kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo quy định; đồng thời tổng hợp, cập nhật báo cáo trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.
Hướng dẫn UBND cấp huyện, xã tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá theo quy định. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc giám sát đối với cấp huyện, các đơn vị trực tiếp triển khai dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; phối hợp với các sở, ban, ngành  liên quan tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình tại các địa phương.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm