Gia Lai: Hàng loạt cây thông ở Pleiku bị sâu cắn lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, hàng thông trên dưới 20 cây mới trồng chưa được bao lâu tại Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đang xanh tốt đột nhiên trụi lá, thân cây cứ khô dần. Những cây thông trồng tại các trục đường: Quang Trung, Nguyễn Tất Thành, Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ… và các khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Có cây sâu bám đầy thân và lá, không ít cây hoàn toàn trụi lá, ở trên có rất nhiều nhộng trên thân, gốc và trong các kẽ nứt của cây. Sau khi nhận được báo cáo tình hình từ Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật, Phòng Kinh tế TP. Pleiku và Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị kiểm tra tất cả những trục đường có thông, xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Những cây thông bị sâu cắn phá. Ảnh: Lệ Hằng

Qua khảo sát, đoàn kiểm tra kết luận: Nguyên nhân khiến thông bị trụi lá, cháy lá là do sự xuất hiện một đối tượng sâu ăn lá có tên khoa học là Diprion pini L, tên thường gọi là ong cắn lá thông. Khi tuổi nhỏ chúng gây hại bằng cách gặm phần biểu bì của lá thông. Sâu lớn hơn thì cắn đứt ngang lá thông làm cho cây không còn khả năng quang hợp, khô dần và có thể chết. Hiện tại, hầu hết các cây thông trên địa bàn thành phố bị nhiễm ong cắn lá chủ yếu là pha dâu non từ tuổi 3 đến tuổi 5, phân bố mật độ khá cao với 1.500-3.000 con/cây.

Bà Lương Thị Tuyết Vinh- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị cho biết: “Để kịp thời ngăn chặn ong cắn lá thông gây hại trên địa bàn TP. Pleiku, Công ty tiến hành kiểm tra toàn bộ những cây thông đơn vị quản lý trên phạm vi thành phố để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Những cây thông bị gây hại nặng (ăn trụi hết lá) sẽ được thu gom và đem tiêu hủy. Đối với những cây thông bị hại nhẹ hơn thì được xử lý thuốc hóa học có độ độc thấp như Alphatin 6.5 EC, Ematin 1.9 EC… pha với nồng độ 0,15-0,2% phun đều khắp thân cây nơi sâu bám và trên tầng lá của cây thông, tất nhiên sẽ phun thuốc vào lúc 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng để tránh gây ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, Công ty sẽ tăng cường lượng nước tưới để cây nhanh chóng phục hồi lá mới”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm