(GLO)- Trước tình trạng xe chở mì quá khổ, quá tải từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh theo quốc lộ 19 về các tỉnh Gia Lai, Bình Định đang diễn ra hết sức phức tạp, gây mất an toàn và làm hư hỏng hạ tầng giao thông. UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm, buộc các xe phải hạ đúng trọng tải khi tham gia giao thông…
Theo ghi nhận của chúng tôi trong chuyến kiểm tra đột xuất cùng Ban An toàn Giao thông tỉnh chỉ trong vòng gần 5 km từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến địa bàn xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, hàng chục xe tải chở mì nối đuôi nhau nằm chờ vì không thể lưu thông khi các chốt của đội liên ngành xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải túc trực 24/24 giờ. Còn tại khu vực hạ tải hàng hóa gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt 3 ngày qua, hơn 100 chiếc xe ô tô tải chở mì từ Campuchia về đang xếp hàng dài chờ được hạ tải. Hầu hết các xe tải chở mì từ Campuchia về có quy định trọng tải từ 8 tấn đến 16 tấn, nhưng các phương tiện này đều vận chuyển vượt quá quy định từ 100% đến 200% so với thiết kế (khoảng 16 tấn đến 35 tấn)...
Ảnh: Lê Anh |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh tăng cường lực lượng, phối hợp cùng Công an huyện Đức Cơ chốt chặn và thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tuyến. Đồng thời chỉ đạo đội liên ngành xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải phải kiên quyết xử lý, buộc các xe hạ đúng trọng tải mới được phép lưu thông. Trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, trong những ngày qua, hàng ngàn tấn mì, cùng hơn 20 contener chở hàng hóa khác được hạ xuống điểm tập kết. Bên cạnh đó, với việc đội liên ngành xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải được chia làm hai tổ cách nhau gần 3 km, cùng sự hỗ trợ của lực lượng Công an huyện, những trường hợp hạ tải chỉ để đối phó với cơ quan chức năng cũng đều bị kiểm tra, xử phạt nghiêm, buộc quay lại để hạ tải đúng quy định của pháp luật. Nên trong ngày 15-2, chỉ có 2 xe vận chuyển mì được phép lưu thông rời khỏi khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, còn hơn 100 xe tải chở mì vẫn… nằm chờ.
Với những biện pháp xử lý mạnh tay, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh về đã được ngăn chặn gần như triệt để. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc và làm việc với các chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa đã có nhiều ý kiến bức xúc. Ông Nguyễn Ngọc Dân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Xe của tôi có trọng tải 8 tấn, hợp đồng với chủ hàng 380 ngàn đồng/tấn. Chở đúng trọng tải thì tiền cước thu được chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi đó chi phí tiền dầu, tiền bốc xếp, tiền phụ xe và các chi phí phụ khác đã gần 5 triệu đồng. Nếu như vậy, nhà xe chúng tôi lỗ nặng, vì vậy chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng có những điều chỉnh phù hợp đảm bảo quyền lợi cho các chủ hàng, chủ xe để chúng tôi tiếp tục giao thương buôn bán…”.
Ảnh: Lê Anh |
Bên cạnh đó, theo các chủ hàng và chủ xe, do việc thu mua mì từ Campuchia chỉ được phơi qua từ một đến hai nắng, nếu không được lưu thông, nằm chờ để hạ tải thì sẽ bị hao hụt, số mì nằm ở các tầng dưới sẽ bị thối phải bỏ đi (bình quần mỗi xe chở 20 tấn mì sẽ bị hao gần 5 tạ nếu phải nằm chờ hạ tải). Các xe khác khi được thuê để sang tải đều từ chối vì không đủ chi phí, nên việc đưa hàng về đúng hợp đồng, tránh hao hụt gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, những người bốc xếp ở đây cũng không ngừng ép giá các chủ hàng khi đòi tiền công 500 ngàn đồng/tấn hàng bốc xuống (khoảng 30 bao mì)… Không chỉ chịu các khoản chi phí cao như tiền cân, tiền bốc xếp, điều kiện sinh hoạt, ăn uống của các chủ hàng và chủ xe ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Trước sự kiểm tra, xử lý gắt gao của lực lượng chức năng và những khó khăn của các chủ hàng, chủ phương tiện, nên hầu như trong hai ngày qua, số lượng xe chở mì từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh diễn ra rất ít. Nhiều chủ hàng ngừng thu mua hoặc bỏ hàng lại Campuchia để thuê nhân công phơi khô, nhằm tránh hao hụt trước khi đưa về Việt Nam.
Lê Anh