Gia Lai: Hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để chủ động tạo nguồn vốn đầu tư cho nông dân (ND) phát triển sản xuất, ngoài các kênh vốn ngân hàng, Trung ương Hội ND Việt  Nam có chủ trương xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND). Ngày 26-7-1995, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho Hội ND Việt Nam xây dựng Quỹ HTND trên phạm vi toàn quốc nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ hộ ND nghèo trong sản xuất, Trung ương Hội ND Việt Nam có Quyết định số 80 ngày 2-3-1996 thành lập Quỹ HTND.

Riêng tại Gia Lai, tháng 4-1996, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ HTND  tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Nếu năm 1997 toàn tỉnh có 6/12 huyện, thị xã xây dựng được quỹ với 125 triệu đồng thì đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được gần 3,5 tỷ đồng (riêng năm 2011 xây dựng quỹ được gần 630 triệu đồng. Các địa phương xây dựng quỹ đạt kết quả cao là: Kbang, An Khê, Chư Prông, Pleiku, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Pah.

Có vốn vay, nông dân chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Thanh Nhật
Có vốn vay, nông dân chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: Thanh Nhật

Nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh vận động được đều tập trung phân bổ cho cơ sở để hỗ trợ cho ND vay với mức phí quy định là 0,7%/tháng (8,4%/năm). Toàn tỉnh đã giải ngân cho hơn 1.900 lượt hộ vay, thời gian cho vay hỗ trợ thấp nhất là từ 12 tháng đến trên 24 tháng (nhưng không quá 36 tháng), với số tiền bình quân mỗi hộ từ 1 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng. Phương thức là cho vay có hoàn trả và có thu phí, để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, xóa đói giảm nghèo.

Hình thức cho vay là theo chu kỳ sản xuất và được quay vòng trong đối tượng vay đều là hộ ND nghèo, thiếu vốn sản xuất. Khi tổ chức cho vay có sự bình xét ở các chi và tổ hội, công tác giải ngân kịp thời và đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hướng dẫn của Trung ương Hội. Nguồn quỹ này đã giúp hơn 20.000 hộ ND giảm nghèo và từng bước vươn lên làm ăn khá.

Ngoài việc kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt, cấp Hội cơ sở đã vận động hộ khá và các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho ND nghèo được khoảng hơn 10 triệu cây giống các loại, hơn 2.000 con gia súc và gia cầm, 500.000 ngày công. Cùng với công tác tạo nguồn Quỹ HTND, Hội ND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết “đầu ra” sản phẩm nông nghiệp từng bước chuyển biến theo hướng có lợi cho ND.


Chủ tịch Hội ND tỉnh- ông Rơ Mah Giáp cho biết: “Kinh nghiệm rút ra sau 15 năm hoạt động của Quỹ HTND là việc xây dựng, quản lý quỹ phải gắn liền với công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội và quyền lợi của hội viên nghèo. Hoạt động của Quỹ phải có sự liên kết, lồng ghép trong công tác quản lý các nguồn vốn thành mạng lưới tín dụng phục vụ ND nghèo. Do vậy để phát huy những thành quả đạt được, trong những năm tới, các cấp Hội cần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý Quỹ HTND chuyển dần sang đầu tư theo dự án, mô hình điểm, phối hợp lồng ghép với các nguồn vốn, các chương trình dự án khác để hỗ trợ cho hộ ND nghèo đầu tư sản xuất- đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đề án về huy động vốn, cũng như coi trọng công tác thanh- kiểm tra, quản lý và điều hành nguồn quỹ, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các hiện tượng tiêu cực. Mặt khác, cần quan tâm đến việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, phẩm chất và nhiệt tình tâm huyết với tổ chức Hội, biết tư vấn giúp đỡ cho đối tượng được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng nguồn vốn”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm