(GLO)- Dù biết trước những hiểm nguy luôn rình rập khi phải qua cầu tạm nhưng không còn cách nào khác, ngày ngày hàng ngàn lượt người dân các làng Tung, Gút, Prang, Tlăng lớn, và Tlang nhỏ thuộc xã Krong, huyện Kbang vẫn mạo hiểm vượt sông để học hành, mưu sinh.
Bên trên cây cầu tạm chênh vênh, “run rẩy” khi những đôi chân của con người đặt bước lên qua bờ bên kia, phía dưới con sông Ba đầy nước, thế nhưng nhiều năm nay, hàng ngàn lượt người dân xã Krong, trong đó có rất nhiều học sinh Trường Trung học cơ sở bán trú Krong “đánh cược” sinh mạng với dòng sông Ba vượt cầu tạm, lội sông đến trường theo “con chữ” và đi làm. Trong khi đó, không hề có hình thức trung chuyển khác như thuyền, bè…
Học sinh vượt cầu tạm đi học. Ảnh: Hoành Sơn |
Gọi là cầu nhưng thực chỉ là một cây gỗ có đường kính khoảng 20-30 cm, dài hơn chục mét được chặt đổ xuống, bắc ngang qua dòng sông, người ta gia công thêm mấy cây tre nhỏ được buộc thêm vài sợi dây làm tay vịn để thuận tiện cho việc qua sông khi chưa có cầu bê tông kiên cố, cầu tạm chủ yếu phục vụ người đi bộ còn các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô phải lội suối hoặc đi đường vòng cách đó hơn 10 km.
Khốn khổ nhất là các em học sinh. Vào mùa nắng ráo, nước sông xuống thấp, cầu không trơn trợt, các em dìu dắt nhau qua cầu đến trường. Học sinh nào nhỏ quá, không tự mình vượt cầu tạm, gia đình cử người đưa ra, cõng các em qua sông sau đó về đi làm. Khi mùa mưa đến, chuyện học càng bi đát hơn, trời mưa lũ lên nhanh, nước lớn ngập cầu tạm, các em không thể đến trường, lúc đó đến lượt các thầy, cô trong trường thay phiên nhau lội sông đưa “con chữ” đến với các em. May thay, trong các lần vượt cầu tạm, lội sông đến trường của các em học sinh, không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.
Chỉnh đốn trang phục đến trường. Ảnh: H.S |
Em Đinh Thị Nương- học lớp 7, trường Trung học cơ sở bán trú Krong nói với chúng tôi rằng: “Qua cầu tạm sợ lắm anh à, cứ sợ sẩy chân rớt xuống nước bị cuốn trôi mất, mùa nắng bọn em còn dám vượt cầu đến trường chứ mùa mưa không dám đi đâu, bọn em phải nghỉ học ở nhà thôi”.
Không riêng gì các em học sinh, tất cả các hộ dân xã Krong cũng khốn đốn vì không có cầu bê tông kiên cố. Đa phần các hộ dân trong xã trồng cây nông nghiệp, hằng năm một khối lượng lớn nông sản cần chuyển ra ngoài buôn bán. Tuy nhiên, không có đường cho xe vào vận chuyển, dẫn đến việc tiểu thương ép giá, cũng có khi không có người mua nông sản bị hư hỏng đành phải bỏ đi. Cũng như lâu lâu mới có người chở hàng thực phẩm vào buôn bán giúp nhân dân trong xã cải thiện bữa ăn, còn không các hộ người dân tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình mình.
Người dân giúp nhau khiêng xe qua sông. Ảnh: H.S |
Ông Đinh Nhao (một người dân làng Tung) buồn rầu nói: Không có cầu, người dân mình đi lại vất vả lắm, mùa mưa không đi ra ngoài được. Cầu tạm để đi bộ còn xe máy thì khiêng. Cây bắp, cây mì bán cũng rẻ hơn nơi khác nhiều.
Giao thông không thuận tiện, dẫn đến cuộc sống của người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn, theo quan sát của chúng tôi: Nếu xây được cầu bắc qua sông Ba không chỉ đảm bảo việc học cho học sinh, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân xã Krong.
Được biết, năm 2011 UBND tỉnh đã đầu tư 3 tỷ đồng, giao cho Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư mở một con đường vào các làng của xã Krong, không hiểu vì sao dự án đang thi công lại bị đình lại, còn người dân xã Krong “đỏ mắt” chờ ngày những cung đường ấy hoàn thành.
Ông Đinh Ních- Chủ tịch UBND xã Krong cho biết: Năm 1986 đã xây dựng một con đường nhưng đã bị cuốn trôi sau ngày hoàn thành không bao lâu. Do đó, cuộc sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, học sinh không thể đến trường. Bà con rất mong sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể sớm xây dựng một cây cầu bê tông kiên cố vượt sông Ba để cho việc giao thương được dễ dàng, góp phần thúc đẩy người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn những cảnh học sinh xắn quần lội sông, vượt cầu tạm đến trường, cảnh người dân khiêng từng chiếc xe máy qua sông, bản thân người viết bài mới thấy thấm thía những khó khăn vất vả mà người dân phía tây huyện Kbang phải chịu đựng trong một thời gian dài.
Nguyễn Tú